|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tạo đà cho dòng vốn FDI giữa 'cơn bão' COVID-19

21:55 | 02/04/2020
Chia sẻ
Dù dịch bệnh lan nhanh đang làm cản trở những nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện chỉ mang tính thời điểm và Việt Nam cần sẵn sàng cho cơ hội mới khi dịch bệnh qua đi…

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường trên quy mô toàn cầu, đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ, tương tự hoặc thậm chí hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế tháng 4/2020 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lan tràn và biến động tài chính tăng cao, triển vọng tăng trưởng cho khu vực vào năm 2020 bị điều chỉnh giảm mạnh.

Theo đó, World Bank dự báo, tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển Đông Á và Thái Bình Dương theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp hơn sẽ giảm xuống mức âm 0,5% vào năm 2020, so với dự báo 5,8% vào năm 2019.

Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019. Tăng trưởng ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không tính Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm từ 4,7% năm 2019 xuống 1,3% và theo kịch bản tình huống thấp hơn còn âm 2,9% năm 2020. Tăng trưởng dự báo sẽ bật lại vào năm 2021 khi tác động của virus giảm bớt.

Tạo đà cho dòng vốn FDI giữa 'cơn bão' Covid 19 - Ảnh 1.

Dòng vốn FDI sụt giảm đáng kể do dịch bệnh


Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quí I/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỉ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,85 tỉ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Không dừng ở Trung Quốc, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ... khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam vì thế cũng bị sụt giảm đáng kể do đây đều là những đối tác FDI chủ yếu của Việt Nam.

Đáng chú ý, cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2020 không có thương vụ lớn nào, nên dù số lượt góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 52,4%, song trị giá không lớn. Bình quân trong 2 tháng đầu năm, quy mô góp vốn chỉ có 0,52 triệu USD/lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của 2 tháng năm 2019 là 5 triệu USD/lượt góp vốn).

Nhận diện thách thức

Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết, theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 là nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng đến việc đi lại, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu giảm mạnh, làm cho sản xuất bị đình trệ, hàng tồn kho lớn. Nhiều nhà đầu tư mới chắc chắn se do dự chưa đưa ra các quyết định đầu tư ở thời điểm này. Đối với các dự án đã đầu tư, các nhà đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Ngoài ra, khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào sản xuất cho rất nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị. Điều này lại làm ảnh hưởng tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án ở Việt Nam.

Tạo đà cho dòng vốn FDI giữa 'cơn bão' Covid 19 - Ảnh 2.

Dịch bệnh qua đi, cần chủ động lựa chọn dự án và nhà dầu tư

Danh sách các nhà đầu tư “khủng” dự định trì hoãn đầu tư vào Việt Nam trong quý I/2020 phải kể đến những tên tuổi như Apple, ExxonMobil… khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại Mỹ. Các lệnh hạn chế đi lại khiến nhà đầu tư buộc phải hủy chuyến công tác tới Việt Nam, nên cũng buộc phải trì hoãn việc ra quyết định đầu tư.

Không chỉ những tập đoàn lớn, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bởi hơn một tháng qua, gần như không có bất cứ đoàn doanh nghiệp nước ngoài nào tới tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các địa phương.

Nỗ lực tìm hướng đi

Theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm là hoàn toàn dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp câp Covid-19 đang ngày càng lan rộng.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm chỉ mang tính thời điểm, do bối cảnh chung của thế giới và dòng đầu tư toàn cầu chứ không hề liên quan đến sức hút đầu tư của điểm đến Việt Nam. Thời điểm sau dịch bệnh, vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam vì thực tế trước đó, nhiều nhà đầu tư đã có ý định chuyển khỏi Trung Quốc do gặp bất lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Việt Nam là một điểm đến được xem với nền kinh tế ổn định, chi phí nhân công giá rẻ...

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đề xuất trong bối cảnh hiện tại, trước mắt cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, như tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài… Đồng thời xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư…

Về dài hạn, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới là cần thiết. Để thu hút FDI, ngoài việc phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.

Để tiếp tục khơi thông dòng vốn FDI trong thời gian tới, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư.

Thái Hoàng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.