Tỷ giá tăng, tiền đồng yếu đi sẽ bất lợi trong hút vốn FDI
Tỷ giá giữa đô la Mỹ với tiền đồng đã có nhiều phiên tăng liên tục tại các ngân hàng thương mại sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái cắt giảm một loạt các lãi suất điều hành và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lần giảm lãi suất thứ hai liên tiếp về gần 0% trong chưa đầy một tháng.
Tỷ giá tại các ngân hàng như Vietcombank được niêm yết ở mức 23.560 đồng/đô la mua vào và 23.750 đồng/đô la bán ra trong ngày 24-3, tăng 440-460 đồng/đô la lần lượt mỗi chiều so với ngày 16-3, một ngày trước khi NHNN chính thức cắt giảm lãi suất điều hành.
Trong khi đó tại thị trường tự do, đồng bạc xanh đã lập đỉnh mới tại 23.900 đồng/đô la bán ra trong ngày đầu tuần. Tỷ giá tại các ngân hàng và trên thị trường tự do đang gần thu hẹp khoảng cách.
Trước đó, tiền đồng đã giữ được vị thế ổn định trong khi đồng tiền của nhiều nước trong khu vực đã trượt giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang leo thang.
Chuyên gia kinh tế Yun Liu thuộc Khối Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC, cho rằng động thái cắt giảm lãi suất của NHNN mới đây đã giúp hạn chế sự nới rộng khoảng cách giữa tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá trên thị trường tự do.
Khoảng cách giữa tỷ giá của hai thị trường chính thức và phi chính thức hiện đang ở mức rộng nhất kể từ giữa tháng 8 năm 2018 khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
“Theo quan điểm của chúng tôi, tỷ giá chính thức sẽ bắt kịp với tỷ giá không chính thức và cuối cùng là ổn định khi tỷ giá tại thị trường tự do lên đến đỉnh điểm”, bà Liu nhấn mạnh trong một báo cáo của HSBC.
Ngân hàng này dự báo tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) sẽ tăng một cách chậm rãi, rơi vào ngưỡng 23.450 đồng/đô la vào cuối năm 2020. Tỷ lẹ này tương đương mức mất giá 1,2% của tiền đồng, với điều kiện đồng nhân dân tệ giữ ở mức ổn định.
Theo bà Liu, trong năm 2019, NHNN đã bổ sung được 25 tỉ đô la vào dự trữ ngoại hối và NHNN sẵn sàng sử dụng khoản dự trữ này để kiểm soát biến động tỷ giá cũng như để giảm bớt tác động lan truyền đến lạm phát.
“Điều cần chú ý là một đồng nội tệ yếu đi đáng kể sẽ gây hại nhiều hơn cho Việt Nam, bởi đồng tiền yếu đi có thể làm chậm dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam”, bà Liu phân tích.
Khi lãi suất giảm, tiền đồng cũng trở nên kém hấp dẫn hơn. Đặc biệt, đối với lãi suất tái cấp vốn điều chỉnh giảm xuống mức 5% của NHNN, mức lãi suất này thấp hơn mức lạm phát trung bình 5.92% trong 2 tháng đầu năm.
Dù áp lực lạm phát có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới, lạm phát năm 2020 được dự đoán sẽ duy trì trên mức mục tiêu 4% và trên mức trung bình 2,8% trong năm 2019.
Phân tích kỹ hơn, bà Liu cho rằng điều này đang tác động không nhỏ tới thị trường chứng khoán với khối ngoại bán gần 200 triệu đô la từ đầu năm tới thời điểm giữa tháng 3, đảo ngược các giao dịch mua vào giá trị gần 300 triệu đô la trong năm 2019.
Vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm chỉ tăng 5% lên 2,5 tỉ đô la. Với diễn biến kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bênh như hiện nay, dòng vốn FDI sẽ có thể tiếp tục bị chậm lại.
Tiền đồng như vậy sẽ tiếp tục chịu áp lực nếu khối ngoại bán ròng và dòng vốn FDI chững lại.
Trước các diễn biến của tỷ giá trong 1 tuần trở lại đây, tỷ giá tại Sở giao dịch NHNN đã được điều chỉnh giảm từ mức 23.907 đồng/đô la bán ra trong ngày hôm qua (23-3) xuống 23.650 đồng/đô la trong hôm nay. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm hiện đang được giữ ở mức 23.260 đồng/đô la.
Trong ngày hôm qua, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN cho biết trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, cơ quan này đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
“Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết tại mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay với quy mô lớn, dưới hình thức giao ngay và kỳ hạn (nếu cần) để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hà cho biết.
Theo NHNN, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỉ đô la trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu đô la trong tháng 3-2020. Trạng thái ngoại tệ, như vậy, vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương.