|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Facebook mất 200 tỉ USD vốn hóa, Mark Zuckerberg nặng gánh áp lực

21:30 | 27/11/2018
Chia sẻ
Các nhà đầu tư Facebook đang trải qua vài tháng khá tệ khi đối mặt nhiều bê bối doanh nghiệp, giá cổ phiếu giảm gần 40% từ mức đỉnh, thổi bay gần 200 tỉ USD giá trị thị trường công ty.
facebook mat 200 ti usd von hoa mark zuckerberg nang ganh ap luc
CEO Facebook Mark Zuckerberg. ẢNH: BLOOMBERG

Theo CNBC, cổ phiếu hãng mạng xã hội Facebook đã giảm gần 40% từ mức cao nhất lập ra hôm 25.7. Công ty đối mặt hàng loạt chỉ trích vì bị thao túng để lan truyền thông tin sai lệch, và phản ứng chưa đủ trước nhiều bê bối.

Một phần trong số 200 tỉ USD bị quét khỏi vốn hóa Facebook xuất phát từ đà lao dốc cổ phiếu công nghệ Mỹ rộng hơn. Dù vậy, khó khăn của riêng hãng mạng xã hội bắt đầu từ trước đó và cổ phiếu Facebook thể hiện kém hơn nhiều so với chỉ số Nasdaq và các hãng công nghệ khác trong năm nay. Vấn đề của doanh nghiệp lúc này là tìm cách đi qua giông bão.

Mô hình kinh doanh của Facebook dựa vào số lượng người dùng chia sẻ thông tin gia tăng và các nhà quảng cáo sẵn sàng trả tiền để tiếp cận người dùng. Mô hình trên bắt đầu lung lay khi lòng tin vào doanh nghiệp lao dốc. Tuy nhiên ở vị trí lãnh đạo, Chủ tịch kiêm CEO Facebook Mark Zuckerberg nắm quyền sở hữu và quản lý trong khi cổ đông, hội đồng quản trị thì ít có khả năng để lại ảnh hưởng.

“Facebook đã bị mất niềm tin vào mô hình của họ và cần phải làm gì đó để lấy lại niềm tin. Nỗ lực PR của doanh nghiệp đến nay rỗng tuếch và chưa đủ. Với tăng trưởng bị trì hoãn, họ cần bắt đầu thay đổi tâm lý người tiêu dùng ngay từ bây giờ”, nhà phân tích Daniel Newman thuộc Futurum Research cho hay.

Ý tưởng được nhiều người chọn là buộc Zuckerberg từ chức chủ tịch hội đồng quản trị, tách biệt vai trò giám đốc điều hành và chủ tịch công ty. Việc này, nếu có, sẽ là bước đi đáng chú ý. Hội đồng quản trị các hãng công nghệ do nhà sáng lập kiểm soát thường được dẫn dắt bởi CEO, chẳng hạn như Amazon của Jeff Bezos, Salesforce của Marc Benioff và Netflix của Reed Hastings.

Đề xuất tách biệt ghế chủ tịch và CEO tại Facebook sẽ được bỏ phiếu tại cuộc họp cổ đông kế tiếp của hãng vào năm 2019. Chuyện Facebook không giải quyết được các vấn đề như Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, bê bối dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác phát sinh từ mạng xã hội khiến cổ đông lo lắng.

Nhà đầu tư Jonas Kron, người sở hữu khoảng 53.000 cổ phiếu Facebook, cho hay vai trò kép của ông Zuckerberg ngăn hội đồng quản trị Facebook hành động độc lập và được theo dõi. CEO Julie Goodridge của hãng Northstar Asset Management, người nắm 23.500 cổ phiếu Facebook thì cho hay: “Zuckerberg không phải báo cáo hay nghe bất cứ ai để đảm bảo rằng mình không ra quyết định ngu ngốc”.

Dù bị nhà đầu tư phản đối, Zuckerberg từ chối rời ghế chủ tịch. Kể từ khi khởi động công ty từ ký túc xá thuộc Đại học Harvard vào năm 2004, Zuckerberg duy trì quyền kiểm soát gần như hoàn toàn doanh nghiệp, sở hữu 60% cổ phần biểu quyết.

Từ góc độ tài chính, Facebook cũng chịu áp lực. Tháng trước, công ty báo cáo doanh thu và số lượng người dùng có hoạt động gây thất vọng. Ngoài ra, chi phí của hãng sẽ tăng 40-50% trong năm sau. Nhà phân tích Scott Devitt thuộc Stifel Nicolaus hạ mục tiêu giá cổ phiếu Facebook từ 186 USD xuống còn 150 USD hôm 26.11. Ông Devitt là chuyên gia mới nhất bi quan về doanh nghiệp.

“Không còn đủ lượng người dùng quan tâm đến Facebook nữa. Họ đặc biệt mệt mỏi vì nhiều đợt tranh cãi chính trị, các vụ bê bối, số lượng bài đăng vô nghĩa và nỗ lực quảng cáo ồ ạt. Hỏi một người dùng Facebook bình thường về trải nghiệm dùng mạng xã hội, bạn nhận được thái độ ngao ngán. Facebook không còn như trước”, nhà phân tích James Brumley thuộc InvestorPlace nhận định.

Xem thêm

Thu Thảo