EVFTA với ngành tôm: Lợi thế cạnh tranh cao nhưng chưa chắc dễ tăng thị phần ở EU
Lợi thế cạnh tranh tăng cao
Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký kết từ nhiều năm qua, EVFTA có tác động mạnh nhất đối với ngành tôm.
Theo ông Lực, tôm bán vào EU, nếu không có GSP, thuế tôm nguyên con hoặc còn vỏ bỏ đầu xoay quanh 5%, là thế mạnh tôm từ Ecuador, một số nước Nam Mỹ và Ấn Độ.
Tôm chế biến như lột vỏ, cấp đông rời thuế khoảng 10%, chế biến sâu hơn như tẩm gia vị, bao bột, hấp chín... thuế gần 20%. Đây là những mặt hàng thế mạnh của Thái Lan và Việt Nam.
Trước khi có EVFTA, tôm Việt hưởng ưu đãi GSP khiến thuế có thể giảm tới một nữa tuỳ dòng sản phẩm. Trong khi đối thủ tôm lớn nhất tôm Việt là Thái Lan mất ưu đãi này sau năm 2015.
Nhờ đó, thị phần tôm Việt ở EU tăng dần ba năm qua và năm 2018 EU đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất tôm Việt.
Sau khi EVFTA có hiệu lực lợi thế canh tranh tôm Việt ở EU mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôm Việt bán vào EU chủ yếu là tôm chế biến, ít đối thủ cạnh tranh, chủ yếu chỉ có Thái Lan và Indonesia.
Tôm chế biến có thuế suất rất cao nếu không có GSP (từ khoảng 10-20%) khiến các đối thủ vừa nêu càng khó lòng cạnh tranh vì chênh lệch giá thành nhập khẩu cao quá.
Lợi thế tiếp theo là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt thuộc cấp cao, các doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội này chiếm lĩnh khúc thị phần cao cấp.
Tôm chế biến cao sẽ có tỉ suất lợi nhuận cao hơn sản phẩm cấp thấp, các doanh nghiệp tôm có cơ hội gia tăng lợi nhuận và chia sẻ ít nhiều với người nuôi tôm, tạo cú hích mạnh ngành tôm Việt những năm tới.
Khu vực EU thu nhập đầu người cao, sản phẩm càng nhiều tiện ích càng được ưa chuộng. Có nghĩa là khúc thị trường cao cấp rất rộng, đủ dư địa các doanh nghiệp tôm Việt lựa chọn các hệ thống phân phối thuỷ sản vừa tầm cung ứng của mình.
Không dễ tăng nhanh thị phần ở EU
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng không hẳn là dễ tăng trưởng thị phần tôm ở EU nhanh được. Muốn tôm vào các hệ thống phân phối cao, các doanh nghiệp tôm Việt phải đáp ứng các quy định nghiêm nhặt của quy định chung lẫn quy định riêng từng hệ thống.
Phẩn cứng có thể dùng tiền đầu tư hoàn thiện, nhưng có những cái khó khó lòng đáp ứng ngay đủ hết nội dung yêu cầu như quy định trách nhiệm xã hội. Điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội Việt khác EU.
Theo ông Lực, chuyện giờ làm thêm, ngày nghỉ là bài toán khó cho doanh nghiệp Việt trong hoàn cảnh ngành chế biến thuỷ sản là ngành khá vất vả, không thu hút được người lao động như ý muốn. Vào vụ, không tăng ca có thể làm nguyên liệu hư hỏng, thiệt hại.
Đa phần hệ thống phân phối cao cấp đòi hỏi không riêng việc truy xuất nguồn gốc, còn yêu cầu tôm cung ứng phải nuôi đạt chuẩn ASC.
Để đạt chuẩn này, các cơ sở nuôi phải có tài chính đủ mới đáp ứng việc đầu tư theo quy định và quy mô nuôi phải khá lớn mới chia sẻ được chi phí đầu tư thêm.
Tình hình nuôi tôm Việt Nam khó xử, bởi nuôi nhỏ lẻ là chủ yếu. Người nuôi tôm thiếu vốn và ít đất. Do đó, hiện nay diện tích nuôi đạt chuẩn nói trên chỉ khoảng 5% diện tích nuôi cả nước.