|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

EuroCham: 48% doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng sẽ tăng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong quý tới

16:58 | 10/07/2023
Chia sẻ
EuroCham cho biết, bất chấp những khó khăn trong nền kinh tế, báo cáo kết luận Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài khi 48% doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng sẽ tăng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong quý tới.

Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2023. Cuộc khảo sát do Decision Lab thực hiện cho thấy niềm tin của doanh nghiệp châu Âu với thị trường Việt Nam đã giảm nhẹ 4,5 điểm, xuống còn 43,5 điểm, phản ánh bối cảnh nền kinh tế hiện nay. 

Chỉ số BCI tụt xuống mức thấp nhất kể từ quý III/2021.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư

Bất chấp những khó khăn trong nền kinh tế, báo cáo kết luận Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài khi 48% doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng sẽ tăng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong quý tới.

Tuy nhiên, tâm lý tiêu cực trong môi trường kinh doanh cũng đang hiện hữu trong kỳ vọng FDI. Có thêm khoảng 4% doanh nghiệp cho biết không có kế hoạch tăng đầu tư. Đồng thời, những doanh nghiệp kỳ vọng mức tăng rất thấp đã đi lên 4%, trong khi những người kỳ vọng tăng FDI tương đối hoặc nhẹ đã giảm xuống. 

Dù vậy, 1/3 số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát vẫn khẳng định Việt Nam là một trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ.

 

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng cải thiện môi trường pháp lý và khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp sẽ là những cách tốt nhất để nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút FDI. 

Theo EuroCham, quy định không rõ ràng và thủ tục hành chính khó khăn vẫn là những rào cản hàng đầu làm giảm đầu tư FDI vào Việt Nam. Trong đó, 53% doanh nghiệp đánh giá quy định không rõ ràng và 50% doanh nghiệp cho rằng các vấn đề hành chính là những trở ngại lớn nhất của môi trường đầu tư.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, các vấn đề về thị thực dường như đã được giải thích trong quý II/2023, khi số doanh nghiệp báo cáo vấn đề này đã giảm 6%.

Sự lạc quan về kinh tế tăng nhẹ

So với quý I/2023, thêm khoảng 2% chủ doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế sẽ cải thiện và ổn định. Chỉ khoảng 10% trong số này cho rằng tình trạng kinh tế sẽ cải thiện. Tuy nhiên, số doanh nghiệp kỳ vọng điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi đã tăng thêm 5% được phản ánh trong sự sụt giảm của BCI. 

 

Các doanh nghiệp cũng dự báo rằng doanh thu, đơn hàng và đầu tư đều sụt giảm trong những quý tiếp theo. Tuy nhiên, thay vì giảm nhân sự, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ giảm tổng vốn đầu tư. Số công ty có kế hoạch cắt giảm đầu tư tăng 7%, trong khi kế hoạch nhân sự vẫn tương tự như quý trước. 

Theo khảo sát, trong bối cảnh môi trường kinh doanh thận trọng, việc cải cách thể chế và nguồn nhân lực tay nghề cao sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng. 

Cải cách thể chế là yếu tố hàng đầu cho sự tăng trưởng của ngành dịch vụ. Trong khi đó, của nguồn nhân lực tay nghề cao được cho là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất.

Báo cáo từ Eurocham cũng cho thấy, khoảng hơn một nửa doanh nghiệp đang hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trong đó, 35% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, giảm thuế là yếu tố mang lại nhiều lợi ích nhất trong hiệp định EVFTA. 

Tuy nhiên, có thêm 5% doanh nghiệp báo cáo rằng thủ tục hành chính tiếp tục là rào cản hàng đầu đối với việc hưởng lợi từ EVFTA. 

Thiếu điện ảnh hưởng tới 60% doanh nghiệp châu Âu

EuroCham cho biết, tình trạng thiếu điện trong mùa hè tại Việt Nam đã đặt ra thách thức với khoảng 60% công ty châu Âu. Trong đó, khoảng 10% doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng chủ yếu đến hoạt động, năng suất và tinh thần của nhân viên, cũng như làm gián đoạn hoạt động sản xuất/dịch vụ.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết cơ sở hạ tầng của Việt nam đang thuộc hàng tương đối kém phát triển so với các quốc gia tương tự trong khu vực. 

Dự định và kế hoạch về việc di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam của các doanh nghiệp trong quý II/2023 ở mức thấp. 81% công ty chưa di dời bất kỳ hoạt động nào của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Chỉ có 3% doanh nghiệp đang cân nhắc và 2% doanh nghiệp lên kế hoạch di dời hoạt động sang Việt Nam.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).