|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

EU có định kiến với các doanh nghiệp Mỹ?

15:08 | 28/06/2017
Chia sẻ
Quyết định của các nhà hoạch định chính sách châu Âu về án phạt 2,7 tỷ USD đối với Google đã ngay lập tức dấy lên báo buộc về chủ nghĩa bảo hộ và bài xích công ty Mỹ.
eu co dinh kien voi cac doanh nghiep my
Bà Margrethe Vestager, ủy viên hội đồng cạnh tranh trong kinh doanh của EU. (Nguồn: Reuters).

Theo CNN, án phạt được công bố hôm thứ Ba (27/6) là mức kỷ lục, nhưng không phải là duy nhất. Các công ty Mỹ khác cũng phải đối mặt với án phạt tương tự.

Intel bị phạt 1,06 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) vì vi phạm quy tắc chống độc quyền vào năm 2009, và đến giờ công ty vẫn kháng cáo quyết định này. Trước đó, Microsoft cũng đã nhận một loạt án phạt chống độc quyền với tổng mức phạt hiện lên đến hơn 1,8 tỷ USD.

Những án phạt này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Liên minh châu Âu (EU) có đang bài xích các doanh nghiệp Mỹ hay không.

Mặc dù vậy, các quy định của EU rất rõ ràng. Ủy ban châu Âu hoàn toàn có thể phạt Google lên tới 10% doanh thu hàng năm của công ty trên toàn cầu, vì vi phạm quy tắc chống độc quyền. Doanh thu toàn cầu của Google năm 2016 đạt gần 90 tỷ USD, điều đó nghĩa là mức phạt tối đa có thể lên đến 9 tỷ USD.

“Các quy định tương tự sẽ được áp dụng cho công ty của Anh, Pháp hay bất kỳ quốc gia thành viên nào của EU nếu bị phạt”, ông Adam Rooney, đối tác của hãng luật Signature Litigation, chuyên tập trung vào các vụ tranh chấp thương mại xuyên biên giới, cho biết.

Doanh nghiệp châu Âu cũng bị phạt

Án phạt dành cho những doanh nghiệp châu Âu có xu hướng nhỏ hơn, vì doanh thu của họ ít hơn. Tuy nhiên, đã có trường hợp EU đưa ra mức phạt lớn đối với doanh nghiệp châu Âu. Công ty sản xuất ô tô Mercedes, Daimler đã bị phạt 1 tỷ euro vì tội danh câu kết với các hãng sản xuất khác nhằm kiểm soát giá và hạn chế cạnh tranh.

Tuy nhiên, mức phạt không phải là mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ.

“Án phạt lần này của Google, một lần nữa chứng minh cho những lo ngại lâu nay của chúng tôi về ảnh hưởng tiêu cực mà quy tắc chống độc quyền của EU mang lại cho các công ty Mỹ”, Gary Shapiro, chủ tịch Hiệp hội Tiêu dùng Công nghệ Mỹ, cho biết.

Hôm thứ Ba, ủy viên hội đồng cạnh tranh trong kinh doanh của EU, bà Margrethe Vestager đã phủ nhận quan điểm rằng bà hay Ủy ban châu Âu có định kiến đối với các công ty Mỹ.

Phân tích từ các cuộc điều tra do hội đồng cạnh tranh tiến hành cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ được nhắm đến không theo một tỷ lệ nhất định.

Bà Vestager cũng cho biết thêm nhiều công ty Mỹ đã tham gia vào việc gửi đơn khiếu nại Google lên Ủy ban châu Âu.

Google đã đánh giá thấp sự cạnh tranh

Thực tế, một vài đối thủ (là các doanh nghiệp Mỹ) của Google đã tán dương quyết định của Ủy ban châu Âu.

Đại diện của News Corp (Mỹ), một trong những công ty gửi đơn khiếu nại về hành vi của Google, nói rằng họ “ủng hộ sự lãnh đạo của Ủy ban châu Âu trong việc đối đầu với hành vi phân biệt đối xử trong thương mại của Google”.

New Corp, Yelp, Getty Images, Oracle và nhiều công ty khác đã gửi thư đến bà Vestager hôm thứ Hai để biểu đạt sự ủng hộ của họ trong việc Ủy ban điều tra Google.

“Là doanh nghiệp Mỹ, chúng tôi cho rằng nỗ lực chống lại Google là cần thiết và phù hợp, chứ không phải là định kiến về công ty. Chúng tôi đã chứng kiến Google làm suy yếu sự cạnh tranh ở thị trường Mỹ và nước ngoài”, các công ty viết trong thư gửi tới bà Vestager.

Các chuyên gia nhận định tất cả những điều này xuất phát từ sự khác biệt giữa quy định và văn hóa của Mỹ và châu Âu.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã điều tra về cách Google tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ của mình, nhưng chưa từng chính thức triển khai hành động gây sức ép đối với công ty.

Lyly Cao