|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

EPS của Gemadept đạt hơn 7.000 đồng năm 2023

12:00 | 31/01/2024
Chia sẻ
Khoản thoái vốn từ Cảng Nam Hải Đình Vũ đã giúp Gemadept có lãi ròng trên 2.200 tỷ đồng năm 2023, cao nhất lịch sử hoạt động.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Gemadept (Mã: GMD) giảm 3% về 1.034 tỷ đồng. Giá vốn gần như đi ngang nên biên lãi gộp thu hẹp về 41,1%. 

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) giảm 39% về 115 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý I/2021.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của Gemadept đạt 3.846 tỷ, giảm 1% so với năm trước đó. Trong đó chiếm 76% là đến từ hoạt động khai thác cảng, còn lại là logistics và cho thuê văn phòng.

Nhờ khoản lãi từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ (cuối tháng 5/2023) nên cả năm Gemadept lãi ròng 2.221 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2022 và cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Năm 2023, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Như vậy công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và gấp gần 2,8 lần mục tiêu lợi nhuận năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023. 

Tại buổi hội thảo về ngành cảng biển năm 2024 diễn ra giữa tháng trước, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Gemadept nhận định rằng 2024 sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn nhưng vẫn có sự tăng trưởng nhẹ và tích cực hơn 2023.

Lãnh đạo Gemadept kỳ vọng thị trường châu Âu không quá tệ, thị trường Trung Quốc tốt hơn khi một số mặt hàng sẽ đi chính ngạch thời gian tới, giúp triển vọng ngành cảng 2024 sẽ tốt hơn năm nay.

Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ liên quan đến tăng trưởng đầu tư công, đầu tư hệ thống giao thông kết nối cũng như các hỗ trợ chung cho ngành logistics và hoạt động cảng biển sẽ giúp Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tăng trưởng tốt ở khu vực.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính Gemadept cho biết công ty "muốn trở thành người chơi chính trên thị trường" và công ty đang có kế hoạch nghiên cứu đầu tư thêm các dự án logistics tại phía Nam quy mô 10 ha, tổng đầu tư 1.200 tỷ đồng. Điều này nhằm mở rộng hệ sinh thái cảng và logistics của Gemadept. Công ty sẽ xem xét các hình thức huy động vốn, bao gồm cân nhắc phương án huy động vốn từ cổ đông. 

Về tình hình tài chính, cuối năm 2023, tổng tài sản của Gemadept hơn 13.542 tỷ, tăng 4% so với đầu năm.

Khoản tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 1.800 tỷ. Ngoài ra công ty đầu tư gần 46 tỷ đồng vào chứng khoán với hai mã cổ phiếu chính là TDS của CTCP Thép Thủ Đức và MMC của CTCP Khoáng sản Mangan, song phải trích lập dự phòng gần 33 tỷ.

Sau tài sản cố định, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu tài sản của Gemadept là khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với 3.082 tỷ đồng. 

Gemadept rót vốn vào 16 công ty liên doanh liên kết, tập trung chủ yếu vào CTCP Cảng Cái Mép - Terminal Link (chủ đầu tư của Cảng Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải) với giá gốc là 1.477 tỷ đồng. Lợi nhuận phát sinh sau ngày đầu tư của siêu cảng này tính đến cuối năm 2023 là 101 tỷ đồng.

Trong nhóm công ty liên doanh, liên kết, Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) là hai đơn vị đem về cho Gemamadept lợi nhuận nhiều nhất với số tiền lần lượt là 248 tỷ đồng và 203 tỷ đồng từ thời điểm đầu tư tính tới hết năm ngoái.

Trong năm qua, công ty đã đi vay 682 tỷ đồng và trả nợ gốc 727 tỷ. Cuối kỳ, tổng dư nợ vay là 1.963 tỷ đồng, bằng 1/5 vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay cả năm là 135 tỷ.

Cuối tháng 12/2023, vốn chủ sở hữu đạt 9.706 tỷ với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2.938 tỷ.

Minh Hằng

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).