|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý của Xếp dỡ Hải An giảm còn 63 tỷ đồng

21:49 | 29/01/2024
Chia sẻ
Giá cước tàu về mức thấp và do không còn nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia như cùng kỳ, nên quý IV/2023, Xếp dỡ Hải An báo lãi thấp nhất kể từ quý I/2021.

Trong năm 2023, bức tranh toàn ngành cảng biển và logistics suy yếu do nhu cầu bên ngoài thấp hơn chủ yếu từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, châu Âu.

Về giá cước, SSI Research thông tin giá cước bình quân duy trì ổn định trong năm 2023 ở các cảng và giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ đối với mảng vận tải biển.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) giảm 21% so với cùng kỳ về 665 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) giảm 63% về 63 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý I/2021.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2023.

Xếp dỡ Hải An từng là một trong những công ty vận tải hưởng lợi trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. (Nguồn: (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Cả năm, doanh thu thuần đạt 2.613 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022. Các chi phí đều tăng trong khi hụt thu tài chính khiến lợi nhuận ròng giảm 53% còn 385 tỷ đồng.

So với mục tiêu lãi ròng 400 tỷ đồng và doanh thu 2.669 tỷ, công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và 96% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2023. 

SSI Research nhận định ngành vận tải container có thể gặp ít áp lực hơn về lợi nhuận (giảm khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ), khi căng thẳng địa chính trị làm giảm áp lực giảm giá cước trong 2024. Nguồn cung đội tàu cũng sẽ tăng trong năm nay do số lượng tàu giao mới dự kiến sẽ chiếm 10,4% tổng nguồn cung tổng đội tàu, cao nhất kể từ năm 2010.

Theo Clarkson, nguồn cung dự kiến sẽ vượt hơn 3% nhu cầu trong năm 2024. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại tại Kênh Suez, chuyên gia kỳ vọng TEU-dặm (thước đó lượng hàng hóa chuyên chở) cao hơn có thể hấp thụ một phần nguồn cung dư thừa và do đó có thể gây ít áp lực hơn đối với lợi nhuận của các hãng tàu.

Hiện tại, HAH đang đẩy mạnh việc mở rộng đội tàu và chuẩn bị đón tàu mới đầu tiên. Đầu tháng 12/2023, Hội đồng quản trị HAH đã phê duyệt khoản vay gần 334 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank để tài trợ cho dự án đóng tàu container HCY-265 có tải trọng 1.800 TEU.

Với việc thu xếp xong nguồn vốn tài trợ, dự kiến tàu này sẽ gia nhập đội tàu của HAH và bắt đầu đi vào hoạt động từ quý I/2024 với tên là Haian Alfa.

Thêm vào đó, HAH tiếp tục có kế hoạch nhận thêm hai tàu là HCY-266 và HCY-268 trong giai đoạn quý IV/2023-quý III/2024. Tổng cộng, đội tàu HAH sẽ đạt 21.300 TEU vào cuối năm 2024 (tăng 34% so với công suất hiện tại).

Giá cước tàu container đã tăng vọt trong giai đoạn đầu năm 2024 khi căng thẳng địa chính trị leo thang. (Nguồn: Drewry).

Cuối năm 2023, quy mô tài sản của HAH đạt 5.369 tỷ, tăng 6% so với đầu năm, chủ yếu là do tăng khoản mục tài sản cố định khi công ty đã mua thêm tàu trong năm.

Cuối năm, tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn là 318 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ vay tài chính gần 1.386 tỷ, đa số là vay dài hạn. Chủ nợ lớn nhất của HAH là Ngân hàng Vietcombank với số dư cuối kỳ là 813 tỷ. Năm qua, công ty đã đi vay 516 tỷ đồng và trả nợ gốc 369 tỷ. 

Hết năm 2023, vốn chủ sở hữu đạt 3.186 tỷ, với vốn góp là 1.055 tỷ, 663 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển và 753 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Minh Hằng