|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Elon Musk trên đà tạo ra những thương vụ giao dịch bom tấn 'độc nhất vô nhị'

10:36 | 24/05/2022
Chia sẻ
Các quy tắc cơ bản của một vụ giao dịch lớn gần như đều sai khi xét riêng về thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk.

Trong quá khứ, những vụ thâu tóm với các diễn biến căng thẳng, bất ngờ không phải là điều hiếm thấy. Ví dụ, trùm dầu mỏ T. Boone Pickens, nhà đầu tư Carl Icahn hay Robert Campeau đều là những người không ngại thực hiện các hành động pháp lý hay kể cả “khẩu chiến” để đạt được mục đích thâu tóm công ty khác, theo The New York Times.

Tuy nhiên, ngay cả những cuộc chiến gay cấn nhất trong quá khứ, thế giới tài chính thực sự vẫn chưa thấy ai giống như CEO Tesla Elon Musk.

Sự khác biệt của Elon Musk trong thương vụ mua lại Twitter

Thời gian qua, những thông tin xoay quanh thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD của Elon Musk đang gây chú ý với giới truyền thông. Thông thường, khi hai bên đồng ý đàm phán mua lại, họ sẽ dành hàng tuần để xem xét tình hình tài chính và tìm hiểu chi tiết. Giai đoạn này thường diễn ra một cách kín đáo trong văn phòng các tập đoàn, công ty luật và ngân hàng đầu tư.

Tuy nhiên, theo hồ sơ pháp lý, Elon Musk không muốn thẩm định theo cách thông thường. Thay vào đó, CEO Tesla đã công khai chỉ trích các vấn đề của Twitter trên chính trang Twitter cá nhân. Theo nhận định của giới chuyên gia, có lẽ Elon Musk đang cố gắng khiến giá trị Twitter giảm xuống để hạ giá mua nền tảng mạng xã hội này.

Về bản chất, Elon Musk đã biến một vụ tiếp quản thông thường thành một vụ tiếp quản thù địch (một thuật ngữ được sử dụng trong giới tài chính). Hành động của Musk đã khiến Twitter, các nhà quản lý, chủ ngân hàng và luật sư bối rối về những gì ông có thể làm tiếp theo. Họ cũng không chắc liệu thương vụ bom tấn này có được hoàn tất hay không.

Robert Wolf, cựu Chủ tịch ngân hàng Thụy Sĩ UBS chi nhánh châu Mỹ cho biết: “Elon Musk đang chơi trong “vùng xám” của riêng mình. Bạn có thể cho rằng đó là những quy tắc riêng của ông ta. Chắc chắn đó là một phương pháp mới để hoàn tất thương vụ này”.

Robert Campeau, một nhà tài chính người Canada, người đã sử dụng các khoản mua lại để xây dựng một đế chế bán lẻ. (Ảnh: Getty Images).

Các điều kiện ràng buộc

Tuần trước, các giám đốc điều hành Twitter cho biết việc mua lại công ty của ông Musk đang được tiến hành và họ sẽ không đàm phán lại, theo một số nguồn tin thân cận. Đầu tuần này, hội đồng quản trị Twitter cũng tuyên bố: "Chúng tôi dự định kết thúc giao dịch và thực thi thỏa thuận sáp nhập".

Hội đồng quản trị Twitter cho biết họ có ưu thế về mặt pháp lý với thỏa thuận này. Ngoài khoản phí đền bù nếu Elon Musk “quay xe” trị giá 1 tỷ USD, thỏa thuận với CEO Tesla còn bao gồm một "điều khoản cụ thể về hiệu suất", cho phép Twitter có quyền kiện tỷ phú giàu nhất thế giới hiện tại và buộc ông phải hoàn thành hoặc thanh toán thỏa thuận, miễn là các khoản vay nợ tài chính của Elon Musk vẫn còn hiệu lực.

“Musk đã ký một thỏa thuận ràng buộc. Nếu những thỏa thuận này không thể thực thi, đó là một vấn đề đối với mọi thỏa thuận khác”, Edward Rock, giáo sư tại trường Luật Đại học New York cho biết.

Tạo ra những điều khác biệt

Elon Musk đã vượt qua một số ranh giới pháp lý. Theo một số nguồn tin, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (F.T.C) đang xem xét liệu tỷ phú người Nam Phi có vi phạm các yêu cầu tiết lộ thông tin khi không thông báo cho cơ quan rằng ông đã tích lũy một lượng cổ phần lớn trong Twitter vào đầu năm nay hay không. Trước đó, CEO Tesla đã không báo cáo cho cơ quan quản lý về việc mua lượng lớn cổ phần Twitter trong thời gian 30 ngày theo quy định.

Việc các thương vụ mua lại đổ vỡ vào phút chót, hay bên mua cố gắng giảm giá công ty được thâu tóm không phải chuyện hiếm trong quá khứ. Jay Gould, một nam tước sinh sống vào cuối thế kỷ 19, người đã giúp xây dựng hệ thống mạng lưới đường sắt của Mỹ, đã tài trợ một phần cho các giao dịch bằng khối tài sản tích lũy được từ những “ván cược” ở Phố Wall.

Ông được biết tới là người tung ra những tin đồn mang tính tiêu cực về các tuyến đường sắt tại Mỹ lên báo chí, sau đó cũng chính là người đã thâu tóm và đầu tư vào nhiều tuyến đường.

Gần đây, khi công ty cho vay Sallie Mae bán mình vào năm 2007, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cắt giảm trợ cấp cho đối tượng vay tín dụng là sinh viên. Điều đó khiến nhóm công ty mua lại Sallie Mae tranh cãi dữ dội. Sau nhiều tháng kiện tụng, Sallie Mae cũng đạt thỏa thuận vào đầu năm 2008.

Cùng thời điểm đó, thỏa thuận trị giá 6,5 tỷ USD của Apollo Global Management - kết hợp công ty hóa chất mà doanh nghiệp sở hữu, Hexion, với đối thủ là Huntsman - đã thành công khi thu nhập của Huntsman sụt giảm và các bên đều khởi kiện nhau.

Năm 2016, gã khổng lồ viễn thông Verizon đã giảm giá 4,5 tỷ USD cho mảng kinh doanh internet của Yahoo sau khi Yahoo tiết lộ vừa trải qua một vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử.

Elon Musk đi ngược với số đông. (Ảnh: EPA).

Những biến cố tác động đến kết quả những thương vụ thường là những thứ tác động tới bên mua, chẳng hạn như khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay tấn công mạng. Tuy nhiên, điều đó không đúng với thương vụ Twitter – Elon Musk. Thậm chí, sau khi tính toán kỹ lưỡng, Elon Musk còn nghi ngờ tính xác thực trong số liệu công khai của Twitter.

Elon Musk dường như tự do làm những gì ông muốn với các giao dịch, một phần vì ông sở hữu khối tài sản ròng có giá trị khổng lồ, cho phép ông có thể bỏ qua tính kinh tế trong một thỏa thuận.

 

Mặc dù Elon Musk có trách nhiệm giải trình với các cổ đông tại những công ty mà ông đang nắm quyền điều hành, bao gồm Tesla, song những cổ đông đó thường đầu tư vào những nỗ lực của ông vì họ coi ông là một “người tiên phong”, chứ không phải vì ông là một người tạo ra những giao dịch để đời.

Doanh Chính