|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mối quan hệ 'tình anh em' giữa Jack Dorsey và Elon Musk ảnh hưởng thế nào tới thương vụ thâu tóm Twitter?

07:30 | 23/05/2022
Chia sẻ
Jack Dorsey, người đồng sáng lập và cựu CEO Twitter, có mối quan hệ thân tình với Elon Musk.

Tại một kỳ nghỉ dành cho nhân viên Twitter vào năm 2020, Jack Dorsey, khi đó còn là CEO Twitter, mời một vị khách nói chuyện với nhân viên: Elon Musk.

Thời điểm đó, CEO Tesla phàn nàn với khán phòng qua video về vấn đề tài khoản rác trên Twitter – đây cũng chính là lý do mà Elon Musk đang nêu ra để tạm trì hoãn việc thực hiện mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.

Theo Financial Times (FT), sự xuất hiện của Elon Musk là một bằng chứng cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa Dorsey và Musk, thứ “tình anh em” về sau thay đổi hoàn toàn tương lai của Twitter.

 Một tuần sau khi Jack Dorsey chia sẻ công khai rằng Twitter nên hoạt động như một công ty tư nhân, Elon Musk tuyên bố kế hoạch thực hiện điều đó. (Ảnh: Bloomberg).

Sự thân thiết giữa hai người cũng làm dấy lên tin đồn về việc Dorsey có thể đóng một vai trò quan trọng trong công ty nếu như thương vụ Elon Musk – Twitter được hiện thực hoá. Dù vậy, với nhiều nhân sự Twitter, điều này không khác gì một sự phản bội.

Hồ sơ đệ trình lên cơ quan quản lý hồi đầu tuần trước cho thấy sau khi Elon Musk lần đầu được mời tham gia hội đồng quản trị Twitter vào tháng 4 trong tư cách cổ đông chính, Dorsey “chia sẻ quan điểm cá nhân rằng Twitter nên tập trung thực thi dưới hình thức một công ty tư nhân”.

Dorsey rời ghế CEO Twitter vào tháng 11 năm ngoái song hiện nay ông vẫn ngồi ghế hội đồng quản trị với một số thành viên khác như Bret Taylor (CEO Salesforce), Martha Lane Fox (doanh nhân công nghệ) và Patrick Pichette (giám đốc tài chính Google).

Theo nguồn tin thân cận với vấn đề, đề nghị nói trên của Jack Dorsey bắt nguồn từ những căng thẳng leo thang giữa Jack Dorsey và các thành viên còn lại của hội đồng quản trị về cách công ty này vận hành và các vấn đề như quản trị nội dung.

Trong quá khứ, Jack Dorsey từng tranh cãi với quỹ Elliott Management, đơn vị từng có một ghế trong hội đồng quản trị Twitter. Dorsey nhìn nhận quỹ này có tính thương mại quá cao và chỉ tập trung vào các vấn đề ngắn hạn. Trong khi đó, một số thành viên hội đồng quản trị ngày càng bực tức vì Dorsey không nhiệt tình tương tác, tham gia công việc.

Một tuần sau khi Dorsey nói rằng Twitter nên trở thành một công ty tư nhân, Elon Musk công bố kế hoạch thực hiện điều này. Sau khi hội đồng quản trị thông qua kế hoạch mua lại của Elon Musk, Dorsey chia sẻ trên Twitter rằng: “Elon là giải pháp duy nhất tôi tin tưởng”.

“Triết lý của Jack là đàm phán trong ôn hoà với Elliott và sau đó đưa Twitter về lại thành một công ty tư nhân, để họ không còn có thể tác động đến một sản phẩm quan trọng với xã hội như vậy lần nữa”, một nguồn tin thân cận nói.

Dorsey vẫn duy trì một mối quan hệ chuyên nghiệp với hội đồng quản trị song cảm thấy bị thách thức một cách cá nhân từ Elliott.

Thời điểm đó, Elliott quan ngại rằng Dorsey bị xao nhãng khi đồng thời là CEO của công ty thanh toán Square và yêu cầu tốc độ đổi mới sản phẩm nhanh hơn. Trong khi đó, các công nghệ mà Dorsey hướng đến như phi tập trung hay blockchain đều bị Elliott gạt bỏ.

Trong quá trình thực hiện thương vụ mua lại, Elon Musk nhiều lần công khai chỉ trích hội đồng quản trị Twitter về một số lý do như chính sách quản trị nội dung hay vẫn đề tài khoản ảo. Hồi tháng 4, Dorsey cũng bày tỏ quan điểm tương tự và cho rằng những vấn đề nói trên “là những sự rối loạn chức năng của công ty”.

Nguồn tin thân cận với Jack Dorsey nói với FT rằng những bình luận trên cho thấy sự chống đối ngày càng lớn của Jack Dorsey đối với Phố Wall và các nhà điều hành Mỹ.

Sau nhiều lần bị triệu tập tham gia các cuộc điều trần liên quan đến vấn đề quản trị nội dung, Jack Dorsey cảm thấy Twitter đang dần trở thành một “con tốt” chính trị, một người chia sẻ.

Cùng lúc, hội đồng quản trị liên tục đặt áp lực lên Jack Dorsey trong việc giải quyết các vấn đề quản trị nội dung lớn, ví dụ như cấm ông Donald Trump sử dụng Twitter. Jack Dorsey không muốn làm những điều này.

Đầu năm ngoái, hội đồng quản trị kêu gọi Jack Dorsey trở lại lãnh đạo Twitter toàn thời gian, Jack từ chối và cuối cùng rời ghế CEO.

Mặc dù căng thẳng song Jack Dorsey vẫn tỏ ra bàng quan và thụ động trong cuộc họp hội đồng quản trị và điều này khiến nhiều người trở nên bực tức. Thời gian gần đây, trong quá trình thương thảo thương vụ, Jack Dorsey có vẻ đã thẳng thắn hơn.

Mới đây, Jack Dorsey cho biết anh sẽ không bao giờ quay lại Twitter dưới tư cách CEO. Dù vậy, Jack đã thảo luận với Elon Musk về việc ông có thể sẽ giữ cổ phần.

Bên cạnh sự quan tâm chung dành cho Twitter, hai doanh nhân có cùng nhiều lĩnh vực quan tâm khác như tiền mã hoá, công nghệ mã nguồn mở hay quyền tự do phát ngôn. Cả hai đều là những doanh nhân Thung lũng Silicon cùng lúc điều hành nhiều công ty khác nhau.

Theo FT, sự thân thiết giữa Elon Musk và Jack Dorsey sâu sắc hơn những gì nhân sự bên trong công ty nhận thấy ban đầu.

Một số người cảm thấy Jack Dorsey đang viết lại lịch sử công ty bằng cách công khi chỉ trích các chính sách quản lý nội dung xảy ra ở thời kỳ mà ông vẫn còn là CEO hay không hề ủng hộ tân CEO Parag Agrawal, người mà Jack Dorsey cũng đóng góp nhiều công sức tuyển dụng.

Nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về mối quan hệ giữa Jack Dorsey và Elon Musk. “Jack thực sự tin việc đưa Twitter thành một công ty tư nhân là điều đáng làm và nếu có cách nào để thực hiện điều đó một cách nhanh chóng, nó đều đáng làm”, một người thân cận với Jack nói. “Thế nhưng mối quan hệ này có thể chỉ là tạm bợ. Chúng được xây dựng trên tinh thần của những người bảo vệ di sản của chính mình”, nguồn tin nói thêm.

Nam Khánh