Elon Musk rất có thể sẽ ‘hủy kèo’ với Twitter
4 năm trước, tỷ phú Elon Musk thề sẽ thành lập một công ty kẹo đường cứng để cạnh tranh với nhà sản xuất kẹo socola nổi tiếng See’s Candies của Warren Buffett. Sau đó ông đổi ý. Theo Reuters, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thương vụ thâu tóm Twitter trị giá 44 tỷ USD của Elon Musk cũng sẽ kết thúc như vậy.
Rõ ràng cho đến nay, CEO Tesla rất nghiêm túc trong việc mua lại Twitter. Ông đã kiếm được nguồn tài trợ thông qua Morgan Stanley. Thỏa thuận đi kèm với khoản phí 1 tỷ USD mà Elon Musk hoặc Twitter sẽ phải trả nếu hủy bỏ hợp đồng.
Các luật sư của Twitter còn đưa ra điều khoản đặc biệt, về mặt lý thuyết có thể buộc Elon Musk mua lại công ty nếu ông đe dọa rút lui. Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách tăng khoản phí “bùng kèo”.
Một số lý do lớn có thể buộc Elon Musk nghĩ lại. Lý do quan trọng nhất là Tesla. Giá cổ phiếu của hãng xe điện này đã giảm hơn 20% kể từ khi Elon Musk lần đầu tiết lộ cổ phần trong Twitter, một phần là vì ông có thể phải bán ra cổ phiếu để tài trợ cho cuộc phiêu lưu mới.
Nếu thương vụ với Twitter đổ vỡ, nhiều khả năng Tesla sẽ quay đầu đi lên. Khi đó, khối tài sản được phục hồi của Elon Musk – khoảng 40 tỷ USD – quá đủ để trả cho 1 tỷ USD phí hủy hợp đồng.
Trung Quốc cũng là một vướng mắc nghiêm trọng. Một nửa số xe điện của Tesla được sản xuất tại quốc gia này, và 1/4 doanh thu của công ty cũng đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng Twitter không hề thân thiện với Trung Quốc.
Gần đây nhất, Twitter đã chống lại Bắc Kinh trong việc xử lý các nội dung liên quan đến những cuộc biểu tình ở Hong Kong. Trung Quốc có thể dễ dàng gây sức ép lên Tesla nếu Twitter của ông chủ Elon Musk không chiều ý. Điều đó thật khó chịu đối với một người tự nhận là “ủng hộ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận”.
Trên thực tế, chủ nghĩa tuyệt đối của Elon Musk có thể sẽ không sống sót nổi trong thương vụ với Twitter. Trong tuần này, ông Thierry Breton, Ủy viên Liên minh châu Âu nói với tờ Financial Times rằng Twitter phải khống chế các nội dung độc hại hoặc bất hợp pháp hoặc có thể bị cấm cửa. Các nhà quản lý ở Mỹ thì nhẹ tay hơn nhiều. Tuy nhiên, những công ty công nghệ khác thì lại có thể đưa ra lời đe dọa tương tự. Ví dụ, Apple có quyền quyết định ứng dụng nào xuất hiện trong App Store.
Một điều giúp Elon Musk dễ dàng rút lui trước khi rắc rối xuất hiện là thị trường đã lường trước kịch bản này. Giá đóng cửa của Twitter hôm 27/4 thấp hơn 10% giá chào mua của Elon Musk. Đây là sự chênh lệch khá lớn do thương vụ này hầu như không bị phản đối bởi cơ quan chống độc quyền.
Gần đây, Elon Musk cũng đăng tweet chỉ trích một số hành động của Twitter. Chúng có thể ảnh hưởng xấu đến thương vụ mua lại, cũng như báo hiệu rằng có thể vị tỷ phú này đã bắt đầu bớt hứng thú với Twitter. Rất có thể, Elon Musk sẽ lại chuyển sự chú ý của mình sang nơi khác. Đây sẽ không phải lần đầu tiên ông làm vậy.
Hôm 25/4, Twitter thông báo đồng ý bán mình cho Elon Musk với giá 54,2 USD/cp trong thương vụ trị giá 44 tỷ USD. Con số này cao hơn 38% so với giá đóng cửa của Twitter hôm 1/4, ngày giao dịch cuối cùng trước khi Elon Musk tiết lộ nắm giữ hơn 9% cổ phần trong công ty mạng xã hội.