|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Đứt gánh’ làng bột 100 năm tuổi

12:16 | 22/04/2020
Chia sẻ
Không chỉ nổi danh là trung tâm thu gom, tập kết lúa gạo, lâm thủy sản của miền Tây, thành phố Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp còn nức tiếng với làng nghề sản xuất bột hơn 100 năm tuổi. Thế nhưng, chỉ một trận dịch COVID-19, làng nghề đã có lịch sử hình thành hơn 100 năm này có nguy cơ “đứt gánh”.
Làng bột Sa Đéc là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều sản phẩm xuất khẩu đi thị trường thế giới.

Làng bột Sa Đéc là làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều sản phẩm xuất khẩu đi thị trường thế giới. Ảnh: Nhất Khang.

Nằm tiếp giáp giữa vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên - hai nơi sản xuất lúa trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, cho nên, đã từ lâu dọc theo tuyến quốc lộ 80 qua tỉnh Đồng Tháp gần như đã hình thành được một cụm công nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo hoạt động khá nhộn nhịp. 

Trong đó, với vị trí “trên lộ, dưới sông” rất thuận tiện, thành phố Sa Đéc cũng đã thu hút về đây nhiều tên tuổi lớn trong ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo.

Song song với sự hình thành và phát triển của ngành xay xát, kinh doanh lúa gạo, nơi đây cũng đã hình thành nên được làng nghề truyền thống chuyên sản xuất xuất bột, đó là “Làng bột Sa Đéc”. 

Các cơ sở nơi đây đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là tấm gạo để sản xuất bột cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp làm bún, hủ tiếu, phở… bán đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí sản phẩm đã được xuất khẩu qua các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Và khi “cơn lốc” COVID-19 đến

“Bây giờ, nhân công thất nghiệp quá nên cũng mong nhà nước hỗ trợ một phần để trả tiền lương cho họ đủ sống và làm tiếp khi dịch qua đi, chứ họ đã bỏ rồi thì muốn làm lại cũng khó”.

Ông Phạm Công Lý, chủ cơ sở sản xuất bột lọc Tài Dương, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thì có thể nói “cuộc chiến” chống COVID-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, thì hoạt động sản xuất của làng bột Sa Đéc cũng “co cụm” dần.

Hàng loạt hoạt động kinh doanh ăn uống- nơi vốn sử dụng các loại sản phẩm được sản xuất ra từ bột như: bánh, bún, hủ tiếu, phở… trong khắp cả nước bị tạm ngưng. Từ đó, hoạt động sản xuất tại làng nghề hơn 100 tuổi ở Sa Đéc cũng bị đình trệ.

Trao đổi với TBKTS Online, ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột lọc Tư Nương, số 91 khóm 2, phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nói rằng dịch bệnh bùng phát, hoạt động đi lại, mua sắm, ăn uống cũng hạn chế nên tất cả mọi người ai cũng chịu tác động. “Nhưng, chỗ sản xuất như của mình thì chịu ảnh hưởng nặng hơn”, ông cho biết.

Theo ông Nương, trước khi xảy ra dịch bệnh, 63 thành viên của Hội quán làng bột Sa Đéc (là các thành viên của làng nghề sản xuất bột Sa Đéc) đều hoạt động hết công suất. “Còn với tình hình hiện nay, 63 thành viên hội quán đa phần đã “tắt máy”, không còn ai hoạt động”, ông dẫn chứng.

Riêng cơ sở của mình, ông Tư Nương cho biết, trước Tết Nguyên đán, các đối tác thu mua ống hút được sản xuất từ bột gạo của Pháp, Mỹ, New Zealand và Hàn Quốc cũng đã tạm dừng nhận hàng, dù họ đã ứng trước 30% đơn hàng. “Bây giờ, đối tác hoãn nhận hợp đồng, yêu cầu mình “rọng lại” (ám chỉ trữ lại) đó, chờ khi nhập lại được, thì đối tác báo cho mình hay”, ông nói.

"Trước khi xảy ra dịch bệnh, 63 thành viên của Hội quán làng bột Sa Đéc (là các thành viên của làng nghề sản xuất bột Sa Đéc) đều hoạt động hết công suất. Còn với tình hình hiện nay, 63 thành viên hội quán đa phần đã “tắt máy”, không còn ai hoạt động”.

Ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột lọc Tư Nương, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Trong khi đó, về cung cấp cho thị trường nội địa, theo ông Tư Nương, trước đây đơn vị cũng có ký hợp đồng cung cấp bột với các công ty xuất nhập khẩu. “Nhưng, giờ họ làm cũng không nhiều nên mình cũng phải ngưng”, ông nói và cho rằng các cơ sở sản xuất bột là nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến nên họ ngưng, thì cơ sở cũng phải chịu chung.

Ông Phạm Công Lý, chủ cơ sở sản xuất bột lọc Tài Dương, ấp Phú An, xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết, khi hoạt động bình thường, mỗi tháng cơ sở này sản xuất đến 150 tấn tấm, tương đương 6 tấn/ngày để cung cấp bột cho các đối tác.

“Hiện nay, mỗi lần sản xuất cũng 5-6 tấn, nhưng mỗi tháng chỉ sản xuất được 4-5 ngày thôi”, ông Lý giải thích. Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ cho nên buộc phải thu hẹp tối đa. “Giờ chỉ làm cầm chừng đợi thời điểm ổn định thôi chứ biết sao giờ”, ông nói.

Việc sản xuất, kinh doanh khó khăn nên theo ông Lý, tiền lương của nhận công cũng giảm mạnh.

Nếu bình thường mỗi nhân công thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, thì hiện chưa đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. “Bây giờ, mỗi nhân công làm một ngày chỉ 200.000 đồng, mà mỗi tháng làm được có 4- 5 ngày, tương đương thu nhập chỉ 1 triệu đồng/người/tháng”, ông Lý cho hay.

Không riêng ông Nương, ông Lý, các cơ sở sản xuất khác tại làng bột Sa Đéc hiện cũng đang cùng chung cảnh ngộ, tức hoạt động sản xuất bị đình trệ hoặc chỉ duy trì cầm chừng do tác động của COVID-19, khiến đầu ra sản phẩm không còn.

Cần liều thuốc “trợ lực”

Theo ông Lý, với những cơ sở sản xuất bột khô, thì đỡ hơn so với sản xuất bột ướt. Bởi lẽ, với bột khô, khi thị trường khủng hoảng thì có thể trữ lại trong kho chờ thời điểm thuận lợi bán ra, nhưng với bột ướt việc trữ hàng là không thể.

Tuy nhiên, hiện việc đầu tư hệ thống sấy bột dùng điện và ánh nắng mặt trời do Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Phòng Kinh tế Thành phố Sa Đéc triển khai cho một số cơ sở tại làng nghề này đang tồn tại nhiều bất cập.

Ông Lý cho biết, thông qua hỗ trợ 50% vốn đầu tư, nhưng không quá 300 triệu đồng của ngân sách nhà nước, tại làng bột Sa Đéc đã hình thành được 6-7 lò sấy bột, nhưng tất cả đều rơi vào cảnh “trùm mền” vì vận hành không hiệu quả.

Thay vì nhà nước hỗ trợ đầu tư lò sấy thì chuyển sang hỗ trợ đầu tư các lò sấy sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Bởi lẽ, pin năng lượng mặt trời sẽ giúp tích và trữ điện khi lò sấy không hoạt động. Như vậy, khi muốn vận hành sấy bột, thay vì sử dụng điện từ lưới điện, thì sử dụng điện từ hệ thống tích trữ này, giúp giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả cao hơn cho người đầu tư.

Ông Phạm Công Lý, chủ cơ sở sản xuất bột lọc Tài Dương, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Theo giải thích của ông Lý, để được hỗ trợ, lò sấy bột phải được đầu tư theo hình thức lấy 20-30% nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời và 40-50% nhiệt độ còn lại được cung cấp thông qua vận hành máy điện trở sản sinh nhiệt. 

“Nhưng, khi lắp máy điện trở thì vận hành không hiệu quả vì chi phí tiền điện quá tốn kém”, ông cho biết và dẫn chứng để sấy được 1 tấn bột, thì phí mướn nhân công và tiền điện lên đến khoảng 2 triệu đồng, sản phẩm bán ra không có lời nên các lò sấy đang “trùm mềm”.

Trước khó khăn đó, ông Lý đề xuất thay vì nhà nước hỗ trợ đầu tư lò sấy như nêu trên, thì chuyển sang hỗ trợ đầu tư các lò sấy sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời. Bởi lẽ, pin năng lượng mặt trời sẽ giúp tích và trữ điện khi lò sấy không hoạt động. 

“Như vậy, khi muốn vận hành sấy bột, thay vì sử dụng điện từ lưới điện, thì sử dụng điện từ hệ thống tích trữ này, giúp giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả cao hơn cho người đầu tư”, ông cho biết và nói rằng đã liên hệ với Phòng kinh tế của thành phố Sa Đéc để trình bày, nhưng vẫn chưa được chấp nhận.

Theo ông Lý, trong bối cảnh hoạt động sản xuất bột tươi của làng bột Sa Đéc đang rất khó khăn vì COVID-19, thì việc hỗ trợ để người dân có phương án tháo gỡ khó khăn và đem lại hiệu quả cao nhất rất cần sớm được xem xét. Ngoài ra, ông Lý cũng đề nghị Nhà nước nên có chính sách cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ vay vốn lãi suất thấp để hỗ trợ tiền lương cho nhân công.

“Bây giờ, nhân công thất nghiệp quá nên cũng mong Nhà nước hỗ trợ một phần để trả tiền lương cho họ đủ sống và làm tiếp khi dịch qua đi, chứ họ đã bỏ rồi thì muốn làm lại cũng khó”, ông Lý giải thích.

Ông Tư Nương cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành nghề nào cũng ảnh hưởng, nhu cầu vốn hỗ trợ rất lớn, trong khi làng bột Sa Đéc chỉ là những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên cũng ngại đề xuất chính sách hỗ trợ. “Nói chung, đề xuất thì tất cả doanh nghiệp, cơ sở lớn nhỏ cũng đều mong muốn, nhưng không biết có tới mình hay không, thành ra cũng ngại”, ông Nương tâm sự.

Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ, ông mong muốn Nhà nước hỗ trợ miễn tiền thuế, điện và nước. “Một cái nữa cũng mong nhà nước có chính sách hỗ trợ là về vốn vay để trả tiền lương nhân viên. Bởi, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đã ngưng nên cũng không còn dòng vốn để hỗ trợ anh em”, ông Nương nói.

Thảo Nguyễn

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.