|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nguy cơ thất truyền làng nghề vì thiếu lao động

16:19 | 29/02/2020
Chia sẻ
Hiện cả nước có khoảng 4.575 làng nghề đang tạo nhiều việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhân lực cho các làng nghề, nhất là tay nghề cao đang thiếu và yếu, thậm chí nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì không thu hút được lao động trẻ.

Không có người kế nghiệp

Làng thêu Quất Động thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội đã từ lâu nơi đây nổi tiếng với nghề thêu truyền thống. Nhưng giờ đây khi đến với làng Quất Động người ta không còn bắt gặp cảnh nhà nhà thêu, người người thêu như trước nữa. Cả làng không còn lấy một cửa hàng bán đồ thêu, cũng không có một phòng triển lãm tranh thêu nào. 

Tất cả những hình ảnh quen thuộc của một làng nghề thêu đã rơi vào dĩ vãng. Vì miếng cơm, manh áo nên hầu hết giới trẻ có tư duy không muốn theo nghề.

"Cũng biết làng có nghề thêu truyền thống nhưng mình không theo vì gia đình mình không có ai theo nghề. Hơn nữa nghề này cần sự kiên trì, bền bỉ với từng đường kim mũi chỉ nhưng thu nhập lại không ổn định nên theo nghề thêu cuộc sống sẽ bấp bênh lắm" –Chị Nguyễn Thị Nhung trong làng chia sẻ.

Nguy cơ thất truyền làng nghề vì thiếu lao động - Ảnh 1.

Những người giữ lửa ở làng thêu Quất Động

Là người từng có 4 năm gắn bó nghề thêu nhưng cuối cùng chị Nguyễn Thị Lan cũng bỏ ngang để vào làm cho các xí nghiệp. 

Chị Lan chia sẻ: “Tôi làm nghề thêu cùng chồng được 4 năm nhưng sau đó anh đi xuất khẩu lao động thì tôi cũng bỏ nghề và vào xí nghiệp làm vì nghề thêu thu nhập thấp lắm, không đủ để chi trả cho gia đình. Bây giờ các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp liên tục tuyển lao động với công việc ổn định, mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng nên trong làng còn rất ít người theo nghề thêu, có chăng chỉ những người lớn tuổi làm vì sự đam mê. Biết đây là nghề truyền thống nhưng đều vì miếng cơm manh áo cả. Nếu khá giả thì không ai muốn bỏ nghề thêu."

Làng Vọng Nguyệt thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh từng nổi tiếng với nghề ươm tơ truyền thống, nhưng giờ đây làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Khoảng 10 năm trở lại đây, cả làng Vọng Nguyệt còn khoảng 10 hộ bám trụ với nghề. 

Nhưng chỉ ươm tơ, cắt kén, bán nhộng và 3 hộ mua kén từ nơi khác về để dệt tơ. Những nương dâu bạt ngàn, xanh mướt giờ chỉ là những bãi đất trống. Sự tác động của kinh tế thị trường, vướng mắc trong đầu tư công nghệ và đầu ra sản phẩm khiến cho nhiều người làng Vọng Nguyệt không còn mặn mà với nghề trồng dâu nuôi tằm nữa.

Ông Ngô Văn Quây, trưởng thôn Vọng Nguyệt cho biết: Trước đây, thôn có 300 hộ dân, cả thôn đều làm nghề ươm tơ. Nhưng từ năm 2008 đến nay nhiều người đã bỏ nghề đi làm việc khác. 

Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải thu mua từ Yên Bái, Lâm Đồng… Chi phí vận chuyển tăng, kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ. Trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề.

Xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng với nghề mây tre đan. Song giờ đây, rât hiếm thấy hình ảnh người dân tập trung dưới những lũy tre làng chẻ nan, đan thúng, mủng, nong, nia… như nhiều năm về trước. 

Từ chỗ có trên 1.000 hộ làm nghề, đến nay, toàn xã chỉ vài trăm hộ, trong đó, nhiều gia đình chỉ có 1 lao động tham gia, chủ yếu là người già, người trung niên và phụ nữ, có khi cả tháng mới làm được chục sản phẩm, thu nhập khá bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ, so với các nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan có thu nhập khá thấp, chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, việc làm từ các khu công nghiệp với thu nhập tương đối ổn định và các chế độ đãi ngộ cũng đã thu hút một lực lượng lớn lao động trẻ địa phương vì vậy làng nghề càng khó giữ chân lao động trẻ.

Cần giải bài toán về thu nhập cho lao động làng nghề

Hiện cả nước có 4.575 làng nghề, đang tạo nhiều việc làm cho người lao động với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc thiếu nhân lực có kỹ thuật của các làng nghề đang ngày càng trầm trọng, do lao động có tay nghề đang chuyển dịch sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương.

"Các làng nghề truyền thống hiện thu hút khoảng 20 triệu lao động, bằng 24% tổng số lao động nông thôn. Trong đó, 30% lao động có việc làm thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. 

Thế nhưng số lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ sơ cấp trở lên) bình quân tại các làng nghề chỉ chiếm 12,3%, còn lại là không qua đào tạo, dẫn đến tình trạng nhiều làng nghề đối mặt nguy cơ thiếu lao động, nhất là lao trẻ có tay nghề. 

Nguy cơ thất truyền làng nghề vì thiếu lao động - Ảnh 2.

Nghề mây tre đan cũng khó thu hút lao động trẻ.

Việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến làng nghề chậm phát triển, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao, chậm thay đổi mẫu mã… Để khuyến khích lao động trẻ, lao động có tay nghề gắn bó với nghề truyền thống, yêu cầu đầu tiên là phải giải được bài toán nâng cao thu nhập và mở các lớp đào tạo, nhân cấy nghề. 

Đào tạo được coi là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn thiếu lao động tại các làng nghề hiện nay" – ông Dần nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, toàn TP có 1.350 làng nghề đang tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. 

Theo ông Hải, để giải bài toán thiếu lao động kế cận như hiện nay, cần phải chú trọng đến dạy nghề và tăng thu nhập cho lao động. Việc nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để làm tốt được việt này, trước hết cần hoàn thiện chính sách đào tạo nghề. 

Hình thức đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động phải xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu sản xuất của các làng nghề. Cùng với đó, cần liên kết thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm bảo đảm đầu ra cho người lao động sau đào tạo.

Song song với việc dạy nghề, cần chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó làm cơ sở vững chắc để thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động trẻ sau đào tạo. 

Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ còn tạo động lực để lao động trẻ tìm tòi, phát hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động.

Phương Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.