'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi nhanh hơn xe máy, giá rẻ hơn Grab'
Chiều ngày 5/3, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội trao đổi với báo chí làm rõ những vấn đề liên quan đến việc đề xuất HĐND TP Hà Nội thông qua phương án giá vé trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội dự kiến áp dụng 3 loại vé (lượt, ngày và tháng) cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, nếu đi theo lượt, hành khách phải trả theo quãng đường di chuyển giữa các nhà ga. Mức tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Theo dự thảo, giá vé hành khách đi theo ngày là 30.000 đồng (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé bán cho đối tượng hành khách phổ thông mua theo tháng là 200.000 đồng.
Ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội cho biết, điểm mới nhất trong phương án giá vé của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là áp dụng theo chặng đường (giữa các nhà ga).
Theo ông Trường việc áp dụng giá vé theo chặng đường để đảm bảo tính công bằng, khuyến khích người đi theo chặng ngắn. Phương án trên với giá "mở cửa" tàu thấp nhất là 7.000 đồng, đi thêm mỗi kilomet, hành khách phải trả thêm 600 đồng.
Bộ GTVT dự kiến vận hành thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 4 tới. (Ảnh: Toàn Vũ)
"Giá vé trên cao hơn vé xe buýt, đổi lại khành khách được dịch vụ tốt hơn, tốc độ nhanh hơn gấp hai lần (xe buýt 14-16 km/h, tàu điện 35 km/h). Với giá vé và tốc độ trên, có thể nói đi tàu đường sắt đô thị nhanh hơn xe máy, rẻ hơn Grab", ông Trường nói và cho biết, đi 13 km toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mất khoảng 22 phút.
Để ra được phương án giá cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, TP Hà Nội căn cứ vào 5 tiêu chí. Cụ thể, dựa vào thu nhập và mức chi trả của người dân; kết quả khảo sát ý kiến của người dân; so sánh cạnh tranh với các loại phương tiện khác; chi phí vận hành; khả năng trợ giá của ngân sách (khoảng 50%).
Bộ GTVT dự kiến đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 4/2019. Hà Nội dự kiến miễn phí 15 ngày đầu vận hành thương mại với tất cả hành khách.