|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường nhập lậu chiếm lĩnh thị trường, gây thất thu 2.400 tỷ đồng tiền thuế

07:39 | 19/02/2022
Chia sẻ
Giá đường trong nước tiếp tục giảm 200 – 500 đồng/kg trong tháng đầu năm 2022 trước sức ép từ đường nhập lậu. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính các hoạt động nhập lậu đường khiến Việt Nam thất thu 2.400 tỷ đồng tiền thuế.

Áp lực lớn từ đường nhập lậu

Theo VSSA, trong tháng 1 đa số các nhà máy của ngành đường Việt Nam đã vào vụ ép mía. Lũy kế đến cuối tháng toàn ngành đã ép được 1.900.000 tấn mía, sản xuất được 180.000 tấn đường.

Nhưng do ảnh huởng của dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất các loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán giảm so với các năm trước trong đó có các sản phẩm sử dụng đường, khiến cho sức cầu đường giảm thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường lại tăng mạnh với sự xuất hiện đồng thời của nhiều nguồn đường.

VSSA cho biết, từ cuối tháng 12 năm ngoái đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào tràn về với số lượng lớn và giá thấp hơn cả giá đường nhập khẩu có dấu hiệu lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước ASEAN cũng đang được ồ ạt nhập về đã hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài ra còn đường nhập khẩu theo hạn ngạch 2021 cũng được đưa về khiến cho giá đường giảm.

Cụ thể, giá đường trong nước tiếp tục giảm 200 - 500 đồng/kg trong tháng 1, xuống còn 17.400 – 18.200 đồng/kg với đường kính trắng và 18.800 đồng/kg với đường tinh luyện. Trong khi đó, giá đường nhập lậu ở mức thấp hơn với 17.200 – 17.800 đồng/kg.

Sự gia tăng hiện diện dòng đường nhập lậu (thực chất đường có xuất xứ Thái Lan) đẩy giá đường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía. Các nhà máy đường đang phải đối mặt với khó khăn lớn vì không tiêu thụ được đường để có tiền trả tiền mía cho nông dân.

Trong vụ ép 2021 - 2022, các nhà máy đường trong nước đã tăng giá mua mía đến mức cao nhất trong 5 năm gần đây và tăng chi phí qua các biện pháp hỗ trợ nông dân nhằm khôi phục trồng mới vùng nguyên liệu khiến giá thành đường tăng so với vụ trước.

Do đó, hầu như không thể cạnh tranh với đường nhập lậu và đường nhập khẩu, đành phải chấp nhận tồn kho.

Thất thu 2.400 tỷ đồng tiền thuế từ đường nhập lậu

Theo đánh giá của VSSA, cả hai quốc gia Campuchia và Lào đều nhập khẩu đường Thái Lan không phải cho nhu cầu trong nước và hầu như chỉ phục vụ cho hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu qua biên giới và quy mô của loại hoạt động này lên đến khoảng 500.000 tấn trong năm 2021 .

Ước tính các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang thu lợi bất chính đồng thời đang làm thất thu thuế chống phá giá chống trợ cấp với giá trị lớn.

Tính toán của VSSA cho thấy, khối lượng nhập lậu đường có xuất xứ Thái Lan khoảng 500.000 tấn với giá xuất khẩu bình quân 471 USD/tấn, Nhà nước Việt Nam đã thất thu thuế (47,64%) giá trị khoảng 112.000.000 USD, tương đương 2.400 tỷ đồng.

Trong tháng 1/2022, các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh. Các địa phương ghi nhận hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu gia tăng gồm có tỉnh Tây Ninh; tỉnh Long An (khu vực Bình Hiệp); tỉnh Bình Phước; tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị (tuyến Đường 9 Lao Bảo).

Đặc biệt tại khu vực Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), có tuyến sông Sê Pôn ngắn, hẹp chỉ cần vài phút là có thể đẩy thuyền hàng từ bên Lào sang bờ bên này và đưa đi tập kết tại các kho bãi.

Các đầu nậu chỉ cần nhập chính ngạch khối lượng nhỏ lấy hồ sơ hợp pháp hóa cho đường lưu thông. Dấu hiệu rõ ràng của hành vi này là đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập với giá rẻ (đây là điều không thể được đối với đường Thái Lan nhập chính ngạch có đóng thuế chống phá giá chống trợ cấp lên đến 47,64%), VSSA cho biết.

Một dấu hiệu khác của hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu là sự xuất hiện của các cơ sở sang chiết đóng gói với các nhãn hàng mới phân phối trực tiếp đến người dùng qua các cửa hàng lẻ và bán trực tuyến không đòi hỏi hóa đơn.

Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn hoạt động gian lận thương mại vào dịp tết Nhâm Dần 2022.

Tuy nhiên hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát cuối tháng 12/2021 cho đến nay cho thấy công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn còn nhiều kẽ hở, và đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng, VSSA cho biết.

Ngày 28/01/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường) xác minh, làm rõ những thông tin phản ánh có cơ sở của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Đấu tranh triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới và tàng trữ, buôn bán trái phép mặt hàng thuốc lá điếu và đường cát để xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý 3/2022.

Đánh giá về triển vọng thị trường trong những tháng tới, VSSA cho rằng nguồn cung đường sẽ tương đối dồi dào với đường nhập khẩu tiếp tục đưa vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2021 - 2022.

Ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu và giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới.

Giá đường trong thời gian sắp đến phụ thuộc vào nỗ lực chống gian lận thương mại đường nhập lậu, nếu việc kiểm soát đường nhập lậu có hiệu quả giá đường sẽ ở mức tiệm cận với giá đường các nước trong khu vực (nhưng vẫn thấp hơn).

Nếu việc kiểm soát đường nhập lậu không có hiệu quả giá đường sẽ tiếp tục giảm dưới giá thành sản xuất đường từ mía và sẽ dẫn đến khả năng phá hủy chuỗi liên kết sản xuất mía đường.

Hoàng Hiệp