Đường lậu gây hại đến ngành mía đường trong nước ra sao?
Mía đường Việt Nam liệu có tiếp tục được thu mua với giá cao nữa hay không?
Người trồng mía đường vừa trải qua một mùa vụ bội thu. Cụ thể, giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2020 - 2021 tăng từ 50.000 – 100.000 đồng/tấn so với vụ ép trước, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, mỗi tấn mía người dân bán được 950.000 đồng đến 1 triệu đồng, cho lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu người nông dân có tiếp tục được thu mua mía với giá cao nữa hay không? Giá nguyên liệu bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố mà trong đó, nạn đường lậu đang gây tác động lớn đến giá và sức cạnh tranh nói riêng với thị trường trong nước.
Vấn đề này đến từ những nguyên nhân mang hiệu ứng domino từ bên ngoài tác động vào. Doanh nghiệp đường buộc phải giảm giá thành để đủ sức cạnh tranh với đường lậu trên thị trường. Bởi thế, họ buộc phải giảm chi phí đầu vào, mà cụ thể ở đây chính là mía nguyên liệu từ người dân.
Ảnh: Báo Nhân Dân
Ngày 9/2/2021 vừa qua Bộ Công Thương ký Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) với các mặt hàng đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan.
Cụ thể, đường tinh luyện bị áp mức thuế 48,88%, Sau khi quyết định này có hiệu lực ngày 16/2 vừa qua đã có tác động tích cực đến ngành mía đường.
"Đây là một quyết định hợp lý và cần thiết vì đã góp phần bảo vệ những người trồng mía như chúng tôi và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mía đường, xuất khẩu mía đường phát huy được nội lực của mình", bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch HTX Tân Tiến, xã Pờ Tó Huyện IaPa, tỉnh Gia Lai chia sẻ trong buổi tọa đàm về cơ hội và thách thức cho ngành mía đường vừa diễn ra vào ngày 23/3 vừa qua.
"Lao đao’ vì đường lậu
Tuy nhiên, với mức thuế này phần nào đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại.
Trên thực tế, có thể thấy rằng mỗi kg đường lậu nhập vào thị trường nước ta có giá rẻ hơn từ 30-50% vì trốn thuế. Trước thời điểm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, số tiền thuế đường lậu trốn được lên đến 85% giá trị đường nhập vào. Chính vì điều này ngành mía đường nước ta gặp vô vàn khó khăn.
Bản thân các nhà máy, doanh nghiệp đường buộc phải giảm giá thành sản phẩm để có sức cạnh tranh với đường lậu.
Theo báo cáo mới đây của cơ quan chức năng của tỉnh An Giang, chỉ trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán đã có hàng chục vụ với gần 20.000 kg đường nhập lậu bị phát hiện. Nên nhớ rằng, tại thời điểm đó dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, lực lượng biên phòng được tăng cường tăng đột biến. Chính vì thế nạn đường lậu mới tạm lắng xuống, nhưng luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Hơn 960.000 tấn đường nhập khẩu vào Việt Nam tính tại thời điểm quý 3/2020. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng, diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha, đến nay chỉ còn dưới 160.000 ha.
Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ còn 29/41 nhà máy sản xuất đường còn hoạt động do bị thiếu hụt nguyên liệu. Các nhà máy như nhà máy Trà Vinh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Nhà máy An Khê, nhà máy Phú Yên, nhà máy đường 333 tại khu vực miền Trung Tây Nguyên… đều kết thúc vụ vào giữa tháng 4/2021.
Toàn Việt Nam, sản lượng mía ép tổng cộng dự kiến chỉ đạt 5.500.000 tấn, ước tính sản xuất ra 600.000 tấn đường và hết vụ sớm vào 30/04/2021. Tại Việt Nam, tổng nhu cầu tiêu thụ đường hiện khoảng 2 triệu tấn, và theo dự báo, nhu cầu sử dụng đường trong nước sẽ tăng lên 2,5 triệu tấn vào năm 2025.
Trong bối cảnh cầu tăng nhưng cung vẫn chưa đủ đáp ứng, sản lượng nguyên liệu mía nội địa năm nay được có thể thiếu so với nhu cầu tiêu thụ.
Nguy cơ người nông dân chuyển dịch sang cây trồng khác tăng cao khi giá mía đường liên tục giảm. Ảnh: Khôi Nguyên
Một chuỗi domino do đường lậu gây ra cực kỳ nghiêm trọng. Ngân sách nhà nước bị thâm hụt lớn. Doanh nghiệp đường gặp bất lợi về giá thành khó mở rộng quy mô sản xuất. Người dân trồng mía không đảm bảo thu nhập kinh tế, đời sống bấp bênh, nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Khuê bày tỏ quan điểm.
Nhiều hecta đất trồng mía đường giảm sút mạnh do đầu ra cho cây mía bất ổn. (Ảnh: Báo Lao Động)
Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời được coi là giải pháp quan trọng, song để ngành mía đường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cần nhiều giải pháp mạnh hơn.
Ngoài việc các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn nạn đường lậu, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn sử dụng đường có nhãn mác, đảm bảo các quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, để góp phần giúp doanh nghiệp nước nhà duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nông dân ngành mía cần tiếp tục cải tiến quy trình canh tác đạt năng suất cao.