|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dương Công Minh tìm kiếm gì ở Sacombank?

10:10 | 01/08/2017
Chia sẻ
Muốn ngồi vào ghế nóng của Sacombank, ông chủ mới phải hội đủ 3 tiêu chí: có nghề ngân hàng, có nghề bất động sản và phải có tiền mặt nhiều.
duong cong minh tim kiem gi o sacombank Sacombank chi bao nhiêu để ‘thưởng nóng’ cho hơn 17.000 nhân viên?
duong cong minh tim kiem gi o sacombank Chủ tịch Dương Công Minh: Đến cuối 2017, Sacombank phải xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu
duong cong minh tim kiem gi o sacombank Ông Dương Công Minh đang nắm bao nhiêu cổ phần Sacombank?
duong cong minh tim kiem gi o sacombank
Nguồn ảnh: Lê Quân

Việt Nam không hiếm trường hợp các doanh nhân nổi tiếng có xuất thân là quân nhân. Có thể kể đến trường hợp của ông Hồ Huy (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh), ông Lê Thanh Thản (Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh), ông Đào Hồng Tuyển (Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuần Châu)... Trong số này, có thể nói Dương Công Minh là cái tên nổi bật nhất khi sở hữu chuỗi kinh doanh sâu rộng, từ tài chính, xây dưng, bất động sản, thương mại, đến du lịch, nông nghiệp công nghệ cao với tổng quy mô tài sản lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Nhưng tham vọng của ông Dương Công Minh chưa dừng lại. Với việc trở thành Chủ tịch của Ngân hàng Sacombank, có thể thấy vị doanh nhân tuổi Tí đang ấp ủ những tham vọng mới. Nhưng vì sao ông Minh lại chọn một ngân hàng đang chìm trong nợ xấu như Sacombank để tạo bàn đạp cho những tham vọng mới?

Ván bài Sacombank và nghị quyết nợ xấu

Đến giờ nhiều người vẫn khá ngạc nhiên khi ông Dương Công Minh lại chọn rời LienVietPostBank để ngồi vào chiếc ghế nóng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, một ngân hàng đang rơi vào tình cảnh khốn khó mà có thể mất đến 5-10 năm nữa mới xử lý xong những vấn đề mà các thế hệ trước để lại. Thực tế có một số lý do chính đáng để giải thích về hành động này.

Ngân hàng Nhà nước đang mong muốn Sacombank có một cổ đông mới, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh để bơm một lượng vốn mới vào ngân hàng, giảm áp lực cho chính Ngân hàng Nhà nước. Ở khía cạnh đó, dường như ông Minh có thể đáp ứng được khi có trong tay vài ngàn tỉ đồng từ việc thoái vốn khỏi LienVietPostBank.

Trong giới tài chính Việt hiện nay, thật sự cũng khó tìm được gương mặt nào đủ tầm và nổi trội hơn ông Minh để dẫn dắt một ngân hàng lớn như Sacombank. Đó là chưa kể, thương hiệu “Minh Him Lam” là đủ sức hấp dẫn để có thể lôi kéo những tài năng khác trong ngành về đầu quân. Nếu có dàn nhân sự tài năng có thể việc tái cấu trúc lại ngân hàng sẽ được thực hiện nhanh hơn. Ngay tại hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, tức chỉ chưa đầy tháng về Sacombank, ông Minh đã quyết thưởng nóng 1 tháng lương và nâng lương cho hơn 17.000 nhân sự Sacombank ngay từ tháng 7. Cùng lúc, trong đề án tái cấu trúc Sacombank, ông Minh đã đưa ra mục tiêu và định hướng giải pháp xử lý nợ xấu cho toàn hệ thống Sacombank đến cuối năm 2017 là phải đảm bảo xử lý 20.000 tỉ đồng nợ xấu.

Thực tế, trong khối ngân hàng cổ phần thương mại hiện nay, cùng với ACB và một phần nào đó là Eximbank, thương hiệu Sacombank vẫn đang nổi trội hơn cả, kể cả LienVietPostBank. Tổng tài sản tính đến quý I/2017 của Sacombank là 332.000 tỉ đồng, lớn hơn gần gấp đôi so với LienVietPostBank. Một khi tái cấu trúc thành công, Sacombank chắc chắn sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho ông Dương Công Minh và Tập đoàn Him Lam tăng tốc phát triển. Nhưng mấu chốt của thương vụ thâu tóm Sacombank có lẽ còn ở một điểm khác nữa.

duong cong minh tim kiem gi o sacombank

Trùng hợp với quãng thời gian xảy ra thương vụ M&A ở Sacombank, một sự kiện khác rất được giới phân tích chú ý là Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu, trong đó trao quyền định đoạt việc mua bán nợ xấu thực chất hơn cho ngân hàng, thay vì phải phụ thuộc vào Công ty Quản lý Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) hay phải đàm phán kéo dài với những con nợ khó tính.

Cụ thể hơn, Nghị quyết khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, bên nhận đảm bảo khi con nợ không có thiện chí chuyển giao tài sản đảm bảo. Đặc biệt, Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường (có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ) và mở rộng đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ xấu, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Các ngân hàng sẽ được kéo dài thời gian phân bổ tối đa 5 năm cho khoản chênh lệch giữa bán thực tế và giá trị ghi sổ của khoản nợ để giảm bớt tác động tiêu cực đến lợi nhuận trong năm và nhất là giữ được hệ số an toàn vốn CAR ở mức theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội được giới phân tích kỳ vọng giúp các ngân hàng quyết đoán hơn và nhanh hơn trong việc xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, quay vòng dòng tiền tốt hơn. Một khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn, lãi suất trên thị trường thậm chí còn có thể giảm sâu hơn nữa.

Những người hưởng lợi nhất từ Nghị quyết này chính là các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu lớn như Sacombank. Tính đến cuối quý I/2017, tổng các khoản nợ xấu tại ngân hàng này lên đến 10.083 tỉ đồng, chiếm 4,9% tổng dư nợ. Còn nếu tính luôn khoản nợ đã bán cho VAMC và khoản mục lãi dự thu thì tổng nợ xấu tiềm tàng của Sacombank lên đến 72.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 35% tổng dư nợ tín dụng. Cùng với Ngân hàng BIDV, Sacombank đang là tổ chức tín dụng có quy mô nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay.

duong cong minh tim kiem gi o sacombank

Cùng với Ngân hàng BIDV, Sacombank đang là tổ chức tín dụng có quy mô nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết hiện nay. Ảnh: Sơn Phạm

Nhưng xấu không có nghĩa là bỏ đi. Nhất là các khoản nợ có liên quan đến bất động sản, bởi Nghị quyết của Quốc hội đang mang lại cơ hội rất lớn cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài sở hữu được những tài sản là bất động sản hấp dẫn với giá rất rẻ!

Hiện tỉ lệ khoản cho vay trên giá trị tài sảm đảm bảo được hệ thống ngân hàng áp dụng ở mức 50-70%. Điều này đồng nghĩa với việc nếu giá mua lại khoản nợ xấu ở mức thấp, ví dụ chỉ 50% giá trị ghi sổ, thì với 1 đồng chi ra để mua nợ xấu, nhà đầu tư có thể sẽ sở hữu được một tài sản đảm bảo có giá trị lên đến 4 đồng. Tất nhiên, giá trị này có thể gia tăng hay sụt giảm còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường địa ốc và tài năng kinh doanh của những “người săn hàng giá rẻ”.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hưởng, tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị của LienVietPostBank thay cho ông Dương Công Minh, các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản tại Sacombank chiếm quy mô rất lớn. Với con mắt tinh nhạy của một người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư và kinh doanh bất động sản, có lẽ không khó để ông Minh nắm rõ cơ hội thật sự đang nằm ở đâu, đồng thời vượt lên những người săn hàng khác. Trước khi ông Minh ngồi lên chiếc ghế Chủ tịch, trong tháng 5 vừa qua, LienVietPostBank cũng đã kịp hoàn tất thương vụ đầu tư trái phiếu vào Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) trị giá hơn 500 tỉ đồng.

duong cong minh tim kiem gi o sacombank

Từ buôn xoài, xây nhà đến chủ ngân hàng

Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch. Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.

Những năm khó khăn cuối 1980, đầu 1990 khiến chàng thanh niên này quyết định đi buôn để kiếm tiền nuôi gia đình. Món nghề đầu tiên của ông Minh là đi buôn trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc. Vì thế, biệt hiệu gán cho ông đầu tiên là “Minh xoài” chứ không phải cái tên “Minh Him Lam” phổ biến như hiện nay.

Cơ duyên đến với bất động sản cũng khá tình cờ cho vị đại gia này khi mở một công ty chuyên về hợp thức hóa nhà đất sau một thương vụ phải bán nhà vì kinh doanh trái cây thua lỗ. Nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành xây dựng và bất động sản trong một quốc gia đang chuyển mình, năm 1994, ông Dương Công Minh đã thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Him Lam trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Thương mại Him Lam với ngành nghề chính là xây dựng, bất động sản. Các dự án với quy mô lớn lần lượt được Tập đoàn triển khai trên khắp cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An đến TP.HCM, Cần Thơ... Tính đến năm 2014, tổng vốn điều lệ của Him Lam đã lên tới 6.500 tỉ đồng, tức nằm trong số những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Các dự án để lại dấu ấn cho Him Lam có thể kể đến dự án BT nút giao thông Long Biên, dự án resort 5.000 tỉ đồng tại Đồ Sơn (Hải Phòng), sân golf Long Biên, sân golf Tân Sơn Nhất, dự án chung cư cao cấp Him Lam Riverside quận 7, Him Lam Chợ Lớn, Khu vui chơi trẻ em Vietopia... Mới đây nhất, tập đoàn này tung ra thị trường Khu căn hộ Him Lam Phú An tại quận 9, TP.HCM. Năm 2014, Him Lam chi ra hơn 1.000 tỉ đồng để mua lại một dự án bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai. “Cuộc đời tôi không có thất bại. Tôi chỉ toàn thấy thành công và may mắn”, ông Dương Công Minh phát biểu trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên truyền thông.

Cấu trúc của Him Lam được mở rộng sang lĩnh vực tài chính khi vào năm 2008, ông Dương Công Minh cùng các đối tác là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất sáng lập nên LienVietBank có quy mô vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỉ đồng. Đến năm 2011, ngân hàng này có thêm cổ đông lớn là Tổng Công ty Bưu Chính Việt Nam, nâng tổng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng và đổi tên thành LienVietPostBank, đồng thời sở hữu hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các trạm bưu điện trên khắp cả nước. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 của LienVietPoskBank đã ngay lập tức cán mốc ngàn tỉ đồng.

duong cong minh tim kiem gi o sacombank

Nhưng thị trường diễn biến xấu sau đó khiến cho kết quả kinh doanh của ngân hàng này gặp nhiều khó khăn và liên tục sụt giảm. Chỉ đến năm 2016, tình hình mới khởi sắc trở lại khi LienVietPostBank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 1.347 tỉ đồng, gấp 3 lần năm trước.

Nhưng thế trận kinh doanh của ông Dương Công Minh còn sắc sảo hơn nữa. Chỉ 1 năm sau khi thành lập LienVietBank, năm 2009, ông Minh tiếp tục cho ra đời Công ty Liên Việt Holdings có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, do chính do ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hiện đơn vị này đang thay mặt ông Dương Công Minh nắm giữ một lượng lớn cổ phần tại các công ty thành viên, đồng thời là kênh thu hút vốn để từ đó phân bổ lại cho các thành viên.

Với số lượng công ty đang đầu tư, giá trị tài sản sở hữu của ông Dương Công Minh nếu tính đầy đủ có thể là một con số rất khủng. “Về bản chất của sự giàu có về tiền bạc thì những người hiện nay nắm giữ cổ phiếu niêm yết nhiều cũng không phải là những người giàu nhất Việt Nam. Nhiều người vì lý do này hay lý do khác, họ chưa muốn công khai chuyện tế nhị này. Tôi biết nhiều người giàu có hơn mình, ví dụ như anh Minh. Nếu công ty anh ấy niêm yết, chắc khó có người nào vượt qua”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Kinh Bắc, nhận định vào năm 2009.

Mặc dù được xem là một trong những doanh nhân nhạy bén và thành công trên thương trường nhưng ông Dương Công Minh đôi khi vẫn gặp phải những thương vụ trắc trở. Năm 2014, LienVietPostBank và Him Lam gây rúng động thị trường khi lên kế hoạch tài trợ 20.000 tỉ đồng để đầu tư vào cây mắc ca ở Tây Nguyên. Mặc dù vậy, thương vụ đầu tư vào nông nghiệp này cho đến nay vẫn bị hoài nghi về tính khả thi trong bối cảnh giá cả nhiều loại mặt hàng nông sản giảmm sâu trong suốt thời gian qua. Tất nhiên, đó còn là những tranh cãi nóng bỏng xung quanh tính pháp lý của dự án sân golf Tân Sơn Nhất trong thời gian gần đây, cũng như những mối quan hệ phức tạp của vị đại gia có gốc Kinh Bắc này.

Nguyễn Sơn

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.