Dưới bàn tay của đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh, Thuận Thảo sa lầy nợ xấu ra sao?
BIDV rao bán khoản nợ hơn 2.200 tỷ đồng của Thuận Thảo Nam Sài Gòn |
Kinh doanh thua lỗ
Năm 2017, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Thuận Thảo (Mã: GTT) đạt 47,8 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2016. Công ty lỗ sau thuế 159 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã cải thiện so với mức lỗ hơn 297 tỷ đồng năm trước do không còn phải trích lập hơn 130 tỷ đồng khoản dự phòng của chi phí quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong năm công ty đã đóng cửa một số mảng kinh doanh, các tài sản của GTT đã xuống cấp nhưng công ty không tiếp cận được vốn vay để có nguồn tiền cải tạo lại. Việc đầu tư của dự án Khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, quá tầm của địa phương. Thuận Thảo không thu hồi được công nợ từ những năm trước dẫn đén tài chính khó khăn, các khoản lãi vay, chi phí chậm nộp thuế tăng lên.
Tính đến hết năm 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 1.079 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm hơn 632,5 tỷ đồng.
Để khắc phục tình hình trên, ban lãnh đạo cho hay sẽ tiếp tục thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân. Đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện dùng để vay vốn ngân hàng, tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh - liên kết để huy động nguồn vốn kinh doanh.
Nguồn: NH tổng hợp |
Thuận Thảo tiền thân là đại lý phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Tháng 12/2009, công ty chuyển đổi mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ khoảng 290 tỷ đồng.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải, kinh doanh khách sạn và bất động sản. Dù vậy, báo cáo tài chính 5 năm gần đây cho thấy Thuận Thảo liên tục lỗ nặng, doanh thu cũng giảm dần từ gần 285 tỷ còn chưa đầy 50 tỷ đồng. Ngày 30/5/2016, Thuận Thảo chính thức hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và chuyển giao dịch sang thị trường UPCoM.
Nguồn: NH tổng hợp |
Giai đoạn 2013 – 2017, cơ cấu tài sản của GTT chủ yếu là tài sản cố định. Lượng tiền, tương đương tiền của công ty chỉ chiếm không đáng kể. Thời điểm 2015, GTT ghi nhận mức cao nhất cũng chỉ hơn 622 triệu đồng. Đến cuối 2017, con số này còn vỏn vẹn gần 90 triệu đồng. Việc phát triển hàng loạt dự án bất động sản như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... đã tiêu tốn của GTT không ít vốn.
"Công ty gia đình" trong vòng xoáy nợ nần
Hội đồng Quản trị của GTT hiện nay gồm: Bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT, còn lại bà Võ Thanh Minh Hằng, ông Võ Hoàng Chương, ông Trần Quốc Hiến, ông Nguyễn Văn Như đều là Thành viên HĐQT.
Bà Thanh, ông Chương và bà Hằng đều có mối quan hệ gia đình. Bà Thanh nắm giữ hơn 15 triệu cổ phiếu GTT (tỷ lệ 34,6% vốn cổ phần). Ông Chương sở hữu 870.000 cp (tỷ lệ 2% vốn cổ phần) và bà Hằng 435.000 cp (tỷ lệ 1% vốn).
Đáng chú ý từ năm 2013, GTT có một khoản cho vay đối với công ty của bà Chủ tịch là CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn trị giá 400 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng, nợ gốc và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp vào Thuận Thảo Nam Sài Gòn.
Thời điểm 23/12/2013, hợp đồng vay được thỏa thuận gia hạn từ 12 tháng thành 24 tháng và không tính lãi suất trong năm 2014. Cuối năm 2014, khoản tiền cho vay được GTT ghi nhận thành đầu tư tài chính vào Thuận Thảo Nam Sài Gòn.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Phú Tài thông báo chào bán khoản nợ xấu hơn 2.300 tỷ đồng của Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Trong đó, dư nợ gốc trị giá hơn 1.208 tỷ đồng, lãi tính tại thời điểm cuối năm 2017 là 1.070 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là trụ sở công ty tại quận 1 và hai khu đất (22 ha) tại huyện Bình Chánh, TP HCM cùng 5,2 triệu cổ phiếu.
Nguồn: NH tổng hợp |
Năm 2017, báo cáo tài chính của GTT vẫn thể hiện khoản nợ vay ngắn hạn BIDV Phú Tài khoảng hơn 81 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán, vay dài hạn đến hạn trả 391 tỷ đồng. Riêng vay và nợ dài hạn BIDV Phú Tài hơn 152 tỷ đồng được đảm bảo bởi một số tải sản như: Trung tâm Giải trí và sinh thái Thuận Thảo, một khách sạn 5 sao 17 tầng và khu resort Thuận Thảo tại phường 7, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Tại thời điểm 31/12/2017, GTT trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ gốc và lãi vay của Thuận Thảo Nam Sài Gòn lên đến gần 454 tỷ đồng. Ngoài ra, do hoạt động kinh doanh lỗ triền miên nên kế hoạch chi trả cổ tức vẫn bị trì hoãn nhiều năm. Tính đến năm 2017, nợ chi cổ tức, thù lao cho bà Võ Thị Thanh hơn 15,7 tỷ đồng, và khoản vay bà Thanh gần 30 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù còn “chìm đắm” trong các khoản nợ, GTT vẫn trích trung bình 2,3 tỷ đồng/năm (giai đoạn 2013 – 2016) cho việc chi trả thu nhập cho các thành viên Hội đồng Quản trị và Ban điều hành. Riêng năm 2017, khoản tiền này được công ty “co kéo” còn hơn 500 triệu đồng.
Có thể thấy, Thuận Thảo đang phải chịu sức ép từ vay nợ khá lớn, tình hình kinh doanh không cải thiện, việc tái cấu trúc công ty chưa thật sự mang lại hiệu quả trong khi các khoản chi phí như chi phí tiền lương, khấu hao, quản lý doanh nghiệp còn quá cao.
Thị giá cổ phiếu GTT đã sụt giảm hơn 95% giá trị so với thời điểm mới niêm yết. (Nguồn: VNDirect) |