|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Được mời tham dự điều trần luận tội, Tổng thống Trump từ chối

11:21 | 02/12/2019
Chia sẻ
Hôm Chủ nhật 1/12 (theo giờ Mỹ) trợ lí của Tổng thống Trump thông báo tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ rằng Nhà Trắng sẽ không tham dự phiên điều trần luận tội diễn ra vào ngày 4/12, đồng thời để ngỏ khả năng tham dự các phiên sau.
Trump Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Jerrold Nadler, Luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone cho biết Nhà Trắng sẽ không tham dự phiên điều trần 4/12 vì nó "không cung cấp cho Tổng thống bất kì qui trình pháp lí công bằng nào".

"Chúng tôi không thể được kì vọng tham dự vào một phiên điều trần mà danh tính của các nhân chứng chưa được công bố và chưa rõ liệu Ủy ban Tư pháp có cho Tổng thống những qui trình công bằng ở các phiên điều trần sau hay không", ông Cipollone viết trong thư gửi Hạ nghị sĩ Jerrold Nadler.

Ông Cipollone còn khẳng định rằng cuộc điều trần này được lên lịch "một cách cố ý" khi ông Trump đang bận tham dự họp lãnh đạo khối NATO ở London.

Theo Bloomberg, cuộc điều trần hôm 4/12 tới sẽ đánh giá xem hành động của ông Trump (như được mô tả chi tiết trong những bằng chứng được thu thập thời gian qua) có đủ để soạn thảo các điều khoản luận tội hay không. Cuộc điều trần cũng có kế hoạch giải thích khuôn khổ hiến pháp cho quá trình luận tội và làm rõ cụm "các tội nặng, nhẹ khác".

Theo Hiến pháp Mỹ, bất kì một quan chức liên bang nào – kể cả Tổng thống – cũng có thể bị luận tội khi mắc phải một trong ba tội là "Phản quốc, Ăn hối lộ hoặc Các tội nặng, nhẹ khác".

Phản quốc và Ăn hối lộ là những tội danh đã rất rõ ràng và không cần bàn cãi nhiều. Ngược lại, cụm "Các tội nặng, nhẹ khác" lại không được định nghĩa cụ thể trong Hiến pháp hoặc bất kì văn bản luật nào khác. 

Thông thường, đây là những tội khá nghiêm trọng đi ngược lại nền cộng hòa và phản bội lại lòng tin của quần chúng. Nhưng thế nào là "nghiêm trọng" và thế nào là "phản bội lại lòng tin" cũng là những khái niệm khá mơ hồ.

Trong lịch sử Mỹ có ba Tổng thống bị điều tra luận tội là Andrew Johnson, Richard Nixon và Bill Clinton. Không ai bị nghi ngờ tội Phản quốc hay Ăn hối lộ mà cả ba trường hợp đều thuộc vào nhóm tranh cãi "Các tội nặng, nhẹ khác".

Tổng thống có thể đã làm việc sai trái nhưng quốc hội vẫn có thể không kết tội vì cho rằng sai phạm đó chưa nghiêm trọng đến mức phải cách chức.

Chẳng hạn, Tổng thống Bill Clinton từng công khai thừa nhận mình có "quan hệ thân mật một cách không đứng đắn" với nữ trợ lí trẻ tuổi Monica Lewinsky. Ông bị Hạ viện luận tội nhưng được thượng viện "cho qua".

Hành động của Tổng thống Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate tỏ ra nghiêm trọng hơn rất nhiều so với Bill Clinton. Có lẽ lo sợ bị luận tội và cách chức, Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội.

Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã nhận được phản hồi từ chối tham dự của Nhà Trắng tuy nhiên chưa đưa ra bình luận nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần công kích quá trình luận tội do Đảng Dân chủ chỉ đạo, ông gọi đây là "một cuộc săn lùng phù thủy thời trung cổ" nhằm xóa bỏ kết quả bầu cử năm 2016.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler cho ông Trump hạn chót đến 6h tối Chủ nhật 1/12 (giờ Mỹ) để trả lời xem ông hoặc các luật sư của ông có đến dự buổi điều trần hay không.

Trong bức thư gửi Tổng thống Trump ngày 26/11, ông Nadler cho biết các luật sư của ông Trump có thể đưa ra yêu cầu đặt câu hỏi đối với một nhóm các nhân chứng, hiện chưa được nêu danh tính. Các nhân chứng này sẽ thảo luận căn cứ hiến pháp cho vụ luận tội.

"Lời mời tham gia một cuộc thảo luận học thuật với các giáo sư luật cho thấy Tổng thống không được hưởng một qui trình pháp lí công bằng. Vì vậy, chúng tôi sẽ không tham dự cuộc điều trần ngày thứ Tư 4/12", ông Cipollone viết trong thư.

"Tuy nhiên, nếu trong tương lai các vị nghiêm túc hơn về việc lập ra một qui trình công bằng, và để bảo vệ quyền và đặc quyền của Tổng thống, chúng tôi có thể xem xét tham gia các phiên điều trần sau của Ủy ban Tư pháp", ông Cipollone viết thêm.

Luật sư Nhà Trắng chưa khẳng định chắc chắn có tham gia các phiên điều trần tiếp theo hay không mà chỉ nói rằng sẽ trả lời riêng rẽ sau.

Ông Cipollone cho biết Nhà Trắng trước hết muốn ông Nadler trả lời xem Tổng thống Trump, các luật sư của ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong ủy ban có được phép gọi nhận chứng hay không (bao gồm những nhân chứng mà Ủy ban Tình báo Hạ viện đã từ chối gọi tên.)

Đồng thời ông Cipollone cũng muốn ông Nadler trả lời xem các thành viên Đảng Cộng hòa trong ủy ban và các luật sư của ông Trump có được quyền kiểm tra chéo các nhân chứng hay không.

Theo Reuters, trong hai tuần tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ bỏ phiếu xem có nên soạn thảo điều khoản luận tội ông Trump hay không, từ đó tạo tiền đề cho quá trình bỏ phiếu luận tội của toàn thể Hạ viện.

Nếu Hạ viện luận tội ông Trump, Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ tổ chức một phiên tòa để xem xét việc kết tội và cách chức ông Trump. Các cuộc khảo sát cho thấy các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhìn chung không muốn ông Trump mất ghế Tổng thống.

Song Ngọc