|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Được đảm bảo bằng cao ốc Sailing Tower, SHS ôm trọn lô trái phiếu 300 tỉ đồng của Tổng Công ty Xây Dựng số 1

08:23 | 28/02/2020
Chia sẻ
Để phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu, Tổng Công ty Xây Dựng số 1 đã thế chấp một phần Cao ốc Sailing Tower tại ngân hàng SHB.
Được đảm bảo bằng cao ốc Sailing Tower, SHS ôm trọn lô trái phiếu 300 tỉ đồng của Tổng Công ty Xây Dựng số 1  - Ảnh 1.

Cao ốc Sailing Tower tại số 51 Nguyễn Thị Minh Khai và 111A Pasteur, quận 1. Nguồn: Báo Xây dựng.

Trong khoảng thời gian 22/11/2019 - 14/2/2020, Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Mã: CC1) đã phát hành thành công 300 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, có kì hạn ba năm.

Ở năm đầu tiên, lãi suất trái phiếu cố định ở mức 11,5%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo được điều chỉnh định kì 3 tháng/lần và được xác định bằng mức cao nhất của lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng (cho các khoản tiền tiết kiệm dưới 5 tỉ đồng) của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cộng biên độ 4,4%/năm.

Lô trái phiếu được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và cũng chính SHS là đơn vị ôm trọn số trái phiếu nói trên.

Cụ thể, SHS đóng vai trò tổ chức tư vấn, đại lí phát hành, đại lí đăng kí lưu kí và đại lí thanh toán cho lô trái phiếu.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu được quản lí bởi ngân hàng SHB - chi nhánh TP HCM. Để phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu, CC1 đã thế chấp một phần Cao ốc Sailing Tower tại ngân hàng SHB. 

Trong đó bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình gắn liền với đất của khối văn phòng ngay khi đủ điều kiện thế chấp theo qui định. 

Tuy nhiên, không muộn hơn ngày 31/12/2021 và trước khi Bộ Xây dựng phê duyệt bất kì phương án/kế hoạch nào liên quan đến việc giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 36%.

Cao ốc Sailing Tower có qui mô gồm ba tầng hầm, 22 tầng nổi có diện tích sàn xây dựng (không kể tầng hầm) trên 34.181 m2. Trong đó, từ tầng 1-15 làm văn phòng cho thuê, tầng 16-21 gồm các căn hộ cao cấp. Toàn bộ căn hộ cao cấp CC1 đã kí hợp đồng bán cho các bên thứ ba khác.

Bên cạnh đó, quyền quản lí vận hành và khai thác nguồn thu từ khối văn phòng thuộc cao ốc Sailing Tower (16 tầng và ba tầng hầm giữ xe), tọa lạc trên thửa đất có diện tích 2.964 m2 tại số 51 Nguyễn Thị Minh Khai và 111A Pasteur, quận 1 cũng được thế chấp làm tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, tài sản thế chấp còn có các khoản phải thu và lợi tức thu được từ hoạt động cho thuê khối văn phòng; quyền tài sản (quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền bồi thường thiệt hại); tài khoản nhận tiền thuê; các tài sản là động sản khác thuộc Cao ốc Sailing Tower và quyền nhận tiền bảo hiểm và tiền bảo hiểm của CC1 từ Cao ốc Sailing Tower.

Toàn bộ giá trị tài sản đảm bảo kể trên được Công ty TNHH Thẩm định giá Valid định giá trên 1.404 tỉ đồng và đã ban hành Chứng thư thẩm định giá.

Dự kiến trong quí 1/2020, CC1 còn phát hành thêm hai lô trái phiếu khác có giá trị lần lượt 300 tỉ đồng và 250 tỉ đồng.

Các trái phiếu này dự kiến đáo hạn vào năm 2023 và được đảm bảo bằng hàng loạt tài sản tương tự như lô trái phiếu 300 tỉ đồng CC1 vừa phát hành.

CC1 Chậm cổ phần hóa 2 năm

Theo Nghị quyết HĐQT CC1 ngày 16/12/2019, ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 20/12/2019 của công ty đã bị hủy do cổ đông lớn Bộ Xây dựng (chiếm 40.53%) có ý kiến việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường chưa có cơ sở để thực hiện.

Trong khi đó, tài liệu đại hội công bố trước đó cho thấy những nội dung liên quan đến việc thoái vốn Nhà nước tại CC1.

Cụ thể, CC1 thuộc danh mục các doanh nghiệp phải thoái toàn bộ vốn Nhà nước trong năm 2017 nhưng đến nay đã chậm hơn hai năm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

CC1 cho biết một trong những lí do khiến công tác thoái vốn Nhà nước tại công ty chậm là do Bộ Xây dựng đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến trong việc lấy ý kiến các địa phương (TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu) về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa CC1 và giá đất tại thời điểm quyết toán bàn giao 31/10/2016.

Việc chậm thoái vốn Nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu của CC1 nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đầu tư và việc mở rộng sản xuất kinh doanh như đã vạch ra trong Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa.

Theo tờ trình dự kiến xin ý kiến cổ đông, CC1 cho biết cần phải có văn bản chính thức đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục sử dụng giá trị cơ sở nhà đất (tạm tính) đã xác định giá trị doanh nghiệp vào thời điểm 01/07/2014 đưa vào phương án cổ phần hóa CC1 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở thực hiện:

(1) Công tác quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần tại thời điểm 31/10/2016.

(2) Xác định và phê duyệt giá trị doanh nghiệp phục vụ công tác thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước đang nắm giữ (40,53%) tại CC1 tại thời điểm 31/12/2018 hoặc thời điểm khác do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Nguyên Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.