|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đừng nhầm tấm bằng với cả tương lai

07:56 | 24/01/2018
Chia sẻ
Một cựu sinh viên Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đốt tấm bằng cử nhân Chứng khoán với dòng trạng thái “Cảm giác không còn gì để làm chỗ dựa sẽ khiến người ta cố gắng nhiều hơn".

Cách đây 2 năm một kỹ sư cơ khí kêu gọi đủ 99 người ủng hộ sẽ đốt tấm bằng. Trên facebook, nam thanh niên này viết: “Đa số chúng ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng”.

Thời gian gần đây không hiếm những sự việc tương tự, đó thật sự là nỗi buồn vô bờ bến đối với những ngôi trường đã đào tạo ra cử nhân bế tắc trên con đường lập thân lập nghiệp với tấm bằng. Đốt bằng, quỳ gối dưới chân cầu xin việc, cử nhân tham gia đường dây trộm chó phản ánh một góc tối đáng buồn của giáo dục đại học.

dung nham tam bang voi ca tuong lai
Hình ảnh tấm bằng đại học bị đốt trích ra từ clip của P.A.T

Hàng trăm nghìn tấm bằng xếp xó, nhan nhản cử nhân, thạc sỹ bán cà phê, bồi bàn, làm "trái tay" có phải nhu cầu thị trường lao động đã bão hòa đến mức khủng khiếp như thế. Chưa hẳn, tôi gặp một doanh nhân trẻ tại hội thảo dành cho khởi nghiệp. Anh nói hai năm nay chỉ tuyển được vài nhân viên mặc dù công ty đang mở rộng thị trường tới 50 tỉnh thành.

Anh kể tiếp, điểm mạnh của các bạn trẻ là tư duy mới nhưng chịu áp lực kém, thiếu mục tiêu dài hạn, cái quan tâm nhất của người trẻ là mức lương khởi đầu mà không bao giờ để ý đến vị thế hiện tại và tương lai của công ty ra sao. Bởi, anh rất muốn sở hữu những nhân viên có khả năng "sống chết" với công ty, đương nhiên chế độ đãi ngộ sẽ rất đích đáng nếu đạt được điều đó.

Tôi nhiều lần đem câu chuyện này kể lại với những người bạn của tôi, những người "nhảy việc" liên tục, họ thường im lặng. Tôi nghĩ, có lẽ vị doanh nhân trẻ kia nói đúng, mặc dù anh ta không có mảnh bằng nào cả ngoài kinh nghiệm thương trường.

Bằng cấp thừa nhưng xã hội đang thiếu người làm được việc, nói đúng hơn chúng ta đang thiếu những con ong thợ chăm chỉ. Một khi thị trường lao động đào thải thì nên xem lại kỹ năng của người lao động. Vì dù bằng cấp cỡ nào chăng nữa, muốn tìm việc phải vận động đúng với quy luật cung cầu của thị trường. Không thể ôm bằng đắp chăn ở nhà chờ người khác mang việc đến.

Tấm bằng chỉ là minh chứng một quá trình học tập để nhà tuyển dụng có thể tham khảo, đương nhiên rất tốt. Nhưng không có bằng đại học không có nghĩa là không thể thành công. Hơn thế, tấm bằng đại học chưa là gì cả cho nên đốt bằng thể hiện sự bất mãn với tri thức được học là cách cư xử rất…trẻ trâu!

dung nham tam bang voi ca tuong lai
Một xã hội khởi nghiệp đang "nóng" lên từng ngày và ở đó rất ít, thậm chí không có chỗ cho những người nhầm tấm bằng với cả tương lai.

Nhìn rộng ra, những người đốt bằng, hay đang sống tốt nhờ tấm bằng đều là sản phẩm của một nền giáo dục đại học có vấn đề về chất lượng. Thực trạng này có vẻ ngày một nặng thêm. Vì con số lao động có bằng cấp thất nghiệp ngày càng tăng, hiện giờ là 227 nghìn cử nhân, thạc sỹ đang ngồi chơi xơi nước.

Một nền giáo dục đại học chỉ biết hướng dẫn người học phải thành công với tấm bằng là có vấn đề. Cách khác, đó là dạy người ta cách trưởng thành, cái gọi là star-up (khởi nghiệp). Nếu học thật, có thể không làm đúng chuyên môn nhưng những tri thức đó sẽ giúp ích suốt cuộc đời.

Thời buổi này, ai còn ỷ lại vào tấm bằng thì khó thành công. Một xã hội khởi nghiệp đang "nóng" lên từng ngày và ở đó rất ít, thậm chí không có chỗ cho những người câu nệ vào tấm bằng.