|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đưa lãi suất tiền gửi về 0%: 'Một đề xuất mang tính kỳ khôi'

10:31 | 23/06/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI là thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi Chính phủ đưa lãi suất tiền gửi VND dần về mức 0%. 

Đề xuất được đưa ra dựa trên đánh giá mức lãi suất tiền gửi và cho vay của Việt Nam vẫn ở mức cao so với khu vực và là bất lợi lớn cho doanh nghiệp và người dân thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Ý kiến của VAFI nhận được nhiều quan điểm trái chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển để có thể hiểu rõ hơn về bản chất hoạt động của các mức lãi suất trên thị trường.

Chuyên gia chỉ ra ba vấn đề trong đề xuất của VAFI, đồng thời cho rằng đây là một đề xuất mang tính kỳ khôi, không có cơ sở và thiếu khoa học. 

Đưa lãi suất tiền gửi về 0%: 'Một đề xuất mang tính kì khôi'  - Ảnh 1.

Chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển (Nguồn: BizLIVE).

Thứ nhất, đề xuất được đưa ra mang nhiều tính chủ quan của VAFI. Khi hiệp hội đưa ra nhận định lãi suất cao là chưa chắc đúng, muốn đánh giá lãi suất cao hay thấp giữa các quốc gia phải có sự đánh giá tương đương về GDP và CPI.

Đối với những nước kém phát triển, đang tăng trưởng mạnh thường có tăng trưởng GDP và CPI cao thì lãi suất tiền gửi và vay luôn luôn cao hơn so với các nước phát triển thường có tăng trưởng GDP và CPI thấp. Khi so sánh mà không giữa trên mối tương quan giữa GDP và CPI thì việc so sánh là khập khiễng khiến nhận định không chính xác.

Thứ hai, mức lãi suất 0% được đưa ra không dựa trên lý thuyết hoặc quan sát nào từ thế giới. Trên thực tế mức lãi suất 0% chỉ có ở góc độ của các ngân hàng trung ương (NHTW) các quốc gia trong những giai đoạn thuộc về suy thoái, lạm phát âm, chẳng hạn như giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. 

Khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh giảm, GDP tăng trưởng âm, lạm phát âm, từ đó để kích thích dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh thì một số NHTW như Fed, ECB hay BOJ mới đưa ra một giai đoạn ngắn là lãi suất tái chiết khấu 0%. 

Lãi suất này là lãi suất của NHTW chứ không phải lãi suất của ngân hàng thương mại (NHTM) để khuyến khích người dân, tổ chức đưa tiền vào hoạt động đầu tư.

Ở đây dường như VAFI đang lấy lãi suất này làm mức lãi suất của các ngân hàng thương mại và đưa vào bối cảnh của Việt Nam khi GDP dự kiến tăng trưởng 5,5%, thấp nhất cũng trên 3%, hiện nay GDP 6 tháng đã đạt 5,8% cùng với lạm phát ước đạt 4%.

Trên thế giới không có NHTM nào lãi suất 0%, đã có sự nhầm lẫn giữa chính sách của NHTW và lãi suất của NHTM. Sự đánh đồng này là hoàn toàn sai khi hai hệ thống có chức năng hoàn toàn khác nhau.

Thứ ba, nếu xét về lý thuyết về kinh doanh tiền tệ, lãi suất là giá cả của thị trường mua bán vốn. Hệ thống NHTM bản chất là những tổ chức kinh doanh trong thị trường vốn, có người mua và người bán. NHTM sẽ mua vốn từ những người có tiền gửi và bán vốn cho những người có nhu cầu vay (huy động và tín dụng) và đã là mua bán thì phải có giá mà ở đây là lãi suất.

Hiện nay, bản thân những người đi vay như nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra 10% để đi vay mà có chưa chắc đã vay được, trong khi đó trên thực tế trên thị trường vốn có nhiều nơi lãi suất cao hơn. Khi đã bán vốn 10% thì làm sao mua vốn 0% được, bản thân lý thuyết nó đã sai.

Diệp Bình

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.