|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VAFI đề xuất giải pháp chấm dứt tình trạng bán chui cổ phiếu, xem xét trách nhiệm của sở giao dịch

21:03 | 12/01/2022
Chia sẻ
VAFI đề xuất với tất cả đối tượng phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch thì phải tạm khóa tài khoản và không cho giao dịch, như vậy sẽ không còn xảy ra trường hợp bán chui mua chui cổ phiếu nữa.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết trong những năm gần đây, đi cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán thì tình trạng bán chui cổ phiếu (bán cổ phiếu mà không công bố thông tin) ngày càng phát triển tới mức công khai trắng trợn đe dọa sự ổn định của thị trường.

Thực tế có một số trường hợp bán chui cổ phiếu xảy ra ở những người liên quan đến người nội bộ với số lượng cổ phiếu nhỏ, chỉ một vài lệnh là xong giao dịch, những trường hợp này có thể là do sơ xuất vì chưa am hiểu pháp luật. 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bán chui cổ phiếu diễn ra với những người am hiểu pháp luật, bán chui với số lượng lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, với số lệnh lớn lên tới hàng nghìn lệnh thì không thể nói là do vô tình hay sơ xuất được mà phải nói là cố tình bán chui cổ phiếu để trục lợi trên lưng hàng trăm hàng nghìn nhà đầu tư chứng khoán.

Tại sao lãnh đạo doanh nghiệp cố tình bán chui?

Khi thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ thì sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán. Nguyên nhân là ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư, giá giao dịch thường giảm, cầu giảm và việc bán cổ phiếu số lượng lớn phải diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu muốn bán được giá, còn nếu bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu và không thu được nhiều tiền.

Từ những bất lợi trên mới dẫn đến hiện trạng cố tình bán chui cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán.

Như vậy hành vi cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu các nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình. Việc cố tình bán chui nhằm trục lợi các nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch. VAFI nhấn mạnh hành vi này phải bị lên án và ngăn chặn và cũng phải phản ánh những hành động bao che, tiếp tay cho những kẻ cố tình bán chui cổ phiếu. 

Cần xem xét trách nhiệm của thanh tra giám sát sàn HOSE

VAFI dẫn ra hai trường hợp bán chui một lượng lớn cổ phiếu tại sàn HOSE. Thứ nhất, CTCP Xây dựng FLC Faros đã bán gần 13,7 triệu cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD, tương đương 21,04% vốn cổ phần từ ngày 20/10/2017 đến ngày 24/10/2017 mà không báo cáo giao dịch. 

Cũng trong khoảng thời gian trên, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC đã bán 57 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 9% vốn điều lệ) mà không báo cáo.

Cả hai trường hợp trên đã đặt bán hàng nghìn lệnh cho hàng nghìn các nhà đầu tự nhỏ lẻ và diễn ra trong nhiều ngày nhưng thanh tra giám sát thị trường tại sàn HOSE không biết sớm để có biện pháp ngăn chặn. 

VAFI cho rằng sàn HOSE được trang bị phần mềm hiện đại trị giá mấy trăm tỷ đồng nên không có lý do nào không sớm phát hiện ra những giao dịch của người nội bộ để có biện pháp ngăn chặn. 

Bên cạnh đó, tình trạng bán chui cổ phiếu đã diễn ra trong nhiều năm nhưng tại sao Sở Giao dịch Chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không có giải pháp ngăn chặn vĩnh viễn tình trạng bán chui cổ phiếu?

Giải pháp chấm dứt tình trạng mua bán chui

VAFI cho rằng với tất cả đối tượng phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch thì phải tạm khóa và không cho giao dịch, như vậy sẽ không còn xảy ra trường hợp bán chui mua chui cổ phiếu nữa. 

Khi các đối tượng trên cần mua hay bán chứng khoán, họ phải công bố thông tin theo quy định và khi nhận được thông báo này thì Sở giao dịch sẽ mở khóa và chỉ cho phép họ mua bán với số lượng đã đăng ký và trong khoảng thời gian đã đăng ký. 

Áp dụng biện pháp kỹ thuật này không phải sửa đổi các Luật, Nghị định, Thông tư hiện hành và rất đơn giản so với phần mềm hiện đại của Sở Giao dịch Chứng khoán. 

Sau cùng VAFI muốn gửi thông điệp phải chấm dứt tình trạng mua chui, bán chui hay giao dịch chứng khoán không đúng thời hạn. "Nếu không giải quyết được vấn đề đơn giản này trong thời gian ngắn nhất thì những người có trách nhiệm nên nhường nghề cho người khác có năng lực hơn thực hiện", VAFI nêu quan điểm. 

Bảo Ngọc