Đưa 7.000 dược sĩ trở thành telesale và câu chuyện đằng sau sự tăng trưởng của Long Châu trong hai năm qua
Ngày 16/12, tại sự kiện FPT Techday 2022, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành (COO) của FPT Retail (đơn vị vận hành ba chuỗi FPT Shop, F.Studio by FPT và Nhà thuốc Long Châu), cho biết quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh nhanh chóng trong đại dịch COVID-19 đã giúp chuỗi Long Châu tăng trưởng một cách "thần tốc".
Dược sĩ trở thành nhân viên bán hàng
Bà Quyên chia sẻ rằng mặc dù thuốc là một mặt hàng được phép bán hàng trong đại dịch, nhưng Long Châu được vận hành bởi con người và vấn đề xảy ra khi những dược sĩ trở thành F0. "Chính sách cách ly của mỗi tỉnh thành là khác nhau. Hàng nghìn dược sĩ của chúng tôi phải đi cách ly, người thì cách ly tập trung, người thì cách ly ở nhà. Mặc dù được mở cửa nhưng mỗi Nhà thuốc Long Châu chỉ còn 1-2 dược sĩ 'cắm' lại để phục vụ khách hàng", bà Quyên nói.
Thời điểm đó, để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân trong đại dịch, bà Quyên cho biết ban điều hành FPT Retail đã quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang số hóa toàn bộ quy trình. Thay vì bán hàng online truyền thông, có một tổng đài nhận yêu cầu của khách hàng để đẩy đơn về cửa hàng, FPT Retail chọn chuyển đổi nền tảng online trở thành ứng dụng bán hàng, hỗ trợ các dược sĩ trở thành telesale (bán hàng qua điện thoại).
"Tất cả các dược sĩ của chúng tôi, dù ở cách ly ở địa phương hay khu tập trung nhưng chỉ cần một chiếc máy điện thoại có cài app thì họ lập tức trở thành telesale. Một dược sĩ ở Hà Giang có thể tư vấn cho F0 ở TP HCM một cách bình thường", bà Quyên chia sẻ.
Vị lãnh đạo FPT Retail cho biết nhờ nền tảng số hóa, khoảng 7.000 dược sĩ của Nhà thuốc Long Châu đã trở thành nhân viên bán hàng. Bất kể họ đang ở đâu thì vẫn đảm bảo thời gian phản hồi với khách hàng.
"Dược sĩ đẩy đơn xuống cửa hàng, nơi có một bạn khác đang túc trực để chuẩn bị thuốc cho khách. Dòng người xếp hàng cứ vào Nhà thuốc Long Châu và chỉ cần đọc số điện thoại thì sẽ nhận được số thuốc tương ứng. Theo ước tính, chúng tôi phục vụ lượng khách hàng gấp 5 lần bình thường, bởi vì nhiều nhà thuốc nhỏ lẻ cũng phải đóng cửa do người bán hàng bị F0", Giám đốc điều hành FPT Retail nói.
Bà Quyên cho biết nhờ chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh nhanh, sau hơn một năm đại dịch, Nhà thuốc Long Châu đã tăng trưởng 50% độ nhận diện thương hiệu, lượt truy cập vào website tăng 150%, dần trở thành Top of mind (mức độ nhận biết thương hiệu) của khách hàng trong ngành dược phẩm.
Đưa toàn bộ hệ thống lên cloud
Một điểm sáng trong công cuộc số hóa hoạt động kinh doanh của FPT Retail ở thời điểm đại dịch là chuyển đổi toàn bộ hệ thống bán hàng lên cloud (đám mây), giúp hỗ trợ giải quyết khối lượng đơn hàng lớn.
Bà Quyên cho biết nhờ quyết định chuyển đổi này, FPT Retail không còn phải đi mua máy chủ và công ty đã đưa toàn bộ dữ liệu của 900 cửa hàng FPT Shop, hơn 1.000 Nhà thuốc Long Châu lên đám mây. Bên cạnh đó, COO FPT Retail cho biết công ty đặt mục tiêu mở rộng 600 nhà thuốc, 300 cửa hàng điện thoại vào năm sau.
Theo số liệu công bố trong báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu năm 2022.
Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chuỗi FPT đem về 15.233 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 70% vào tổng doanh thu và tăng 32% so với 9 tháng năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận năm. Lãi ròng ba quý là 296 tỷ đồng. Tính riêng quý III, lãi ròng của FPT Retail đạt 84,5 tỷ đồng, tăng 80% so với quý III/2021. Biên lợi nhuận gộp quý III của doanh nghiệp là 15,5% và biên lãi thuần là 1,1%.
Hồi đầu tháng 12, chuỗi Nhà thuốc Long Châu đánh dấu cột mốc 1.000 cửa hàng, vượt 125% mục tiêu mở rộng quy mô đề ra trong năm 2022 là 800 cửa hàng.