Dự trữ ngoại hối lên 68 tỉ USD
Các dòng vốn FDI vào hằng năm là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tạo kỷ lục mới ở mức 68 tỉ USD vào cuối tháng 6 vừa qua.
Lượng dự trữ ngoại hối này tương đương 13,4 tuần nhập khẩu ước tính năm 2019, đạt đỉnh mới nhưng không gây áp lực lạm phát. Bởi dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn được kiểm soát cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp trung hòa phù hợp.
So với cuối tháng 12.2018, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chỉ ở mức 6,54% và 7,33%. Do đó áp lực lạm phát đã không xuất hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu.
Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3% - thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được ở 6 tháng 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỉ USD.
Cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài. Đơn cử như việc các doanh nghiệp FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu đã được nói đến nhiều năm nay.
Sau 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,9%. Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng để bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm qua.