|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự thảo quy định về hàng 'Made in Vietnam' có nhiều khoảng trống

20:31 | 03/08/2019
Chia sẻ
Dự thảo quy định về hàng "Made in Vietnam" có nhiều khoảng trống, bởi vậy cần có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam có 4 chương 37 điều quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam, phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Theo một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề ở TP.Hồ Chí Minh, dự thảo này quy định khá cụ thể cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà các quy định trước chưa rõ ràng. 

Trước đó, Nghị định 43 và Nghị định 31 của Chính phủ quy định về ghi Nhãn hàng hóa chỉ quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu, chứ chưa quy định cho hàng hóa sản xuất trong nước và lưu thông trong nước.

Dự thảo này cũng hướng dẫn cụ thể với 5 cách ghi nhãn hàng hóa như: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo….

Dự thảo quy định về hàng 'Made in Vietnam' có nhiều khoảng trống - Ảnh 1.

Dự thảo quy định về hàng "made in Vietnam" cần có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Luật gia Phan Thi Việt Thu, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ  quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết: “Đến bây giờ Bộ Công thương mới ra dự thảo thông  tư  quy định, xác định lại  thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam được ghi nhãn mác  hàng xác xuất tại Việt Nam thì đã muộn, chậm nhưng nó cũng giải quyết được những trường hợp rắc rối đã xảy ra trong thời gian vừa qua. 

Về mặt tổng thể thì dự thảo này tạm khắc phục những thiếu sót đang hiện hữu”.

Dự thảo thông tư quy định rõ các trường hợp được coi là hàng hóa của Việt Nam là sản phẩm thuần túy ở Việt Nam và hàng hóa không thuần túy Việt Nam. 

Nội dung mà thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về cách ghi xuất xứ hàng hóa thì dự thảo thông tư cũng làm rõ, đó là: Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa thì được coi là hàng hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo một số luật sư ở TP. HCM, dự thảo lần này còn có những điểm chưa làm rõ. Cụ thể như điều 10 chương 3 quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. 

Nhưng dự thảo thông tư không quy định trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa của ai? Ví dụ như cái đèn led được lắp ráp tại Việt Nam với nhiều vật liệu, linh kiện của các nước khác nhau nhưng không được ghi xuất xứ Việt Nam vì nó chỉ lắp ráp đơn giản thì ghi xuất xứ như thế nào? Đây là khoảng trống của dự thảo.

Luật Sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Dự thảo này đang đặt ra vấn đề,  một sản phẩm đó họ mua linh kiện của nhiều nước khác về  lắp ráp đơn giản  nên không đủ điều kiện ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam, vậy thì sản phẩm đó ghi xuất xứ nước nào. 

Trong trường hợp này cần phân tích sản phẩm đó linh kiện của nước nào có giá trị cao nhất thì ghi xuất xứ của nước đó”.

Còn chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền thì có quan điểm khác về việc ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam: “Hội nhập  để tối thiểu hóa chi phí hoạt động sản xuất ra sản phẩm  nên doanh nghiệp có thể tổ chức trên toàn cầu. 

Điều quan trọng là nên định vị chúng ta thiết kế ra ở đâu, thiết kế cái gì, thiết kế như thế nào, chứ xuất xứ  được hiểu là sản xuất nhiều ở trong nước thì nó không còn phù hợp nữa”.

Việc Bộ Công thương sẽ có thông tư quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm sản xuất và lưu thông ở Việt Nam đến thời điểm này là khá muộn so với thực tiễn của sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. 

Bởi vậy, chúng ta cần có quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính phát triển thương hiệu Việt, hạn chế tình trạng doanh nghiệp  lợi dụng kẻ hở này để trục lợi.

Lệ Hằng