Đủ cơ sở để 'ra lò' ôtô Việt
Chỉ hai năm để cho ra lò một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu Việt, mục tiêu Vingroup đặt ra với Vinfast rõ ràng, tham vọng và có cơ sở dù vẫn hàm chứa không ít mạo hiểm. Một chuyên gia kinh tế đã nhận xét như vậy về chiến lược “đi đường thẳng” của Vingroup thay vì đường vòng để biến mình thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu như Trường Hải hay Hyundai Thành Công.
Chiến lược rõ, tài chính mạnh
Không có bất kỳ bước chạy đà nào trên thị trường, Vingroup khiến ngành ôtô Việt vốn đang loay hoay giữa câu hỏi nhập hay lắp choáng váng khi khởi công tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại xã đảo Đồng Bài (Cát Hải, Hải Phòng) với quy mô 335ha để sản xuất ôtô động cơ đốt trong, ôtô điện và xe máy điện. Những gạch đầu dòng rõ ràng trong bản chiến lược hoành tráng nhất từ trước tới nay của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được vạch ra.
Tổ hợp có năm phân xưởng cần thiết của chuỗi sản xuất ôtô hoàn chỉnh gồm xưởng ép, hàn thân xe, sơn, động cơ và lắp ráp và dự kiến chỉ mất 24 tháng để xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của riêng mình theo tiêu chuẩn khí thải Euro 5, Euro 6 cùng tỉ lệ nội địa hóa 60%, đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Vinfast còn đặt mục tiêu đến 2025 nhà máy chạm mốc công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm và trở thành hãng ôtô hàng đầu Đông Nam Á. Các dòng sản phẩm lần lượt sẽ là xe máy điện (ra mắt trong vòng 12 tháng), ôtô động cơ xăng (xuất xưởng sau 24 tháng) rồi tới ôtô điện (trình làng sau 36 tháng) và nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động.
Vinfast còn cam kết trong năm 2025, sẽ nộp ngân sách cho TP.Hải Phòng vượt ngưỡng 20.000 tỉ đồng, bằng toàn bộ nguồn thu nội địa của toàn TP.Hải Phòng/năm như hiện nay).
Bao giờ có ôtô Việt?
Ngoài các cam kết về tài chính, trợ lực cho dự án này còn có những chính sách ưu đãi lớn về thuế, phí. Tuy nhiên, mục tiêu rất lớn của dự án khiến không ít người trong ngành tỏ ra hoài nghi đặc biệt là khi ngành công nghiệp phụ trợ trong nước còn quá yếu và những ông lớn trên thị trường xe đều là nhập khẩu hoặc chấp nhận đi đường vòng để lắp ráp xe thương hiệu nước ngoài.
Nhiều người tin rằng với một thị trường nhỏ như Việt Nam để thành công cần phải dựa vào một thương hiệu nước ngoài để bán xe, làm thị trường, tạo lực thu hút đầu tư rồi mới quay lại chuyển giao công nghệ để lắp ráp và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Giấc mơ ôtô Việt dang dở của Vinaxuki khiến giới trong nghề càng đặt câu hỏi quanh dự án Vinfast.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ khi trao đổi với báo giới đã nhận định kế hoạch này sẽ rất khó khăn vì chỉ vài ba năm mà nâng tỉ lệ nội địa hóa của ôtô lên 60% sẽ không hề đơn giản vì làm công nghiệp ôtô không giống đầu tư vào bất động sản hay đầu tư vào các lĩnh vực khác vì đây là sản xuất, cần có kỹ năng về mặt công nghệ và quản lý chứ không phải cứ bỏ tiền ra thuê là làm được.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Lao Động ngày 4.9, “ông gàn” thừa đam mê với ôtô “made in Vietnam” Bùi Ngọc Huyên lại cho rằng Vinfast có thừa cơ sở để thắng lợi với dự án này. Theo ông Huyên, cái khó khăn nhất của người Việt Nam khi đầu tư vào ngành ôtô là tài chính thì đã được giải quyết dễ dàng vì Vingroup có nền tài chính vững mạnh và lại vay được ngân hàng Thuỵ Sĩ 800 triệu USD với thời hạn không dưới 20 năm. Bên cạnh đó, địa điểm nhà máy ở Cát Hải được ông Huyên nhận định là thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vì đã có đường mới cầu mới, thêm nữa lại được Hải Phòng ưu đãi cho đất dự án.
Không chỉ vậy, ông Huyên cho rằng thời điểm để Vingroup gia nhập ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng tốt hơn ông rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước ngày càng rõ ràng và có tác động mạnh mẽ giúp DN chứ không “tù mù như những năm 2008-2009”. Do đó, “tôi tin họ sẽ thắng lợi thôi và nên ủng hộ Việt Nam làm những việc như thế” - ông Huyên khẳng định.
Cùng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng Vingroup có thể chưa có kinh nghiệm chế tạo xe nhưng họ lại thừa kinh nghiệm và nguồn lực tài chính để bắt tay với các đối tác chuyên nghiệp trong ngành như Bosch - hãng sản xuất linh kiện ôtô hàng đầu thế giới, Siemens, các studio nổi tiếng về thiết kế xe như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign hay các trung tâm R&D lớn trên thế giới như Magna Steyr, AVL, EDAG và việc cho ra lò một chiếc xe “made in Vietnam” là hoàn toàn khả thi.
Khách hàng Việt có chờ ôtô Việt?
Phần lớn khách hàng khi được hỏi đều cho biết, họ rất quan tâm tới dòng xe tương lai của Vingroup đặc biệt nếu nó thực sự rẻ, chất lượng tốt và “made in Vietnam”. “Giá xe Việt Nam hiện vẫn trên trời trong khi chất lượng chưa thực sự tương xứng. Do đó, nếu Vingroup tạo ra được chiếc xe chất lượng tốt, giá rẻ thì tất nhiên khách hàng sẽ đón nhận” - anh Đặng Tuấn Anh - một nhân viên kinh doanh có thu nhập trung bình khá tại Hà Nội - khẳng định.
Cũng có người cho rằng, với tâm lý chuộng hàng ngoại của nhiều khách hàng, một chiếc xe Vinfast giá rẻ sẽ không dễ được đón nhận nhưng “truyền thông tốt, chất lượng ổn, sản phẩm sẽ thành công” - ông Bùi Ngọc Huyên khẳng định - sau khi chia sẻ về những nguyên nhân khiến giấc mơ xe Việt của mình chưa thành.
Trên thực tế, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã có hơn 20 năm phát triển nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua xe giá cao gấp 2,5-3-4 lần giá xe tại Mỹ trong khi trang bị trên xe thường bị “cắt xén” như ít túi khí hơn, chất liệu cấp thấp hơn. Dù được ưu đãi nhưng các liên doanh sản xuất ôtô chưa có thương hiệu ôtô Việt Nam, tỉ lệ nội địa hoá ở xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-10% và khá nhiều liên doanh đang có xu hướng chuyển sang nhập khẩu xe từ khu vực ASEAN thay vì tăng cường lắp ráp vì sau ngày 1.1.2018, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các thị trường này sẽ xuống 0%.
Do đó, việc Chính phủ đã và đang có những điều chỉnh chính sách lớn để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển cũng như quyết định gia nhập ngành 4 bánh của Vingroup sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt thị trường xe Việt Nam. Và ngay cả khi chiếc xe của Vingroup chưa thành hình, một số chuyên gia đã dự đoán dự án này sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường xe, thậm chí sẽ góp phần kéo giảm mặt bằng giá xe bởi đây là một ẩn số mà nhiều hãng xe sẽ phải tìm hiểu, tính toán và đối phó.
Trao đổi với báo Lao Động, một cán bộ của Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT cho biết, theo quy định sau khi xây dựng và hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, đường thử, nhà sản xuất sẽ gửi hồ sơ lên Cục để xét duyệt, Cục sẽ tiến hành thẩm định, kiểm tra toàn bộ nhà máy từ các dây chuyền sản xuất tới đường thử, nếu đảm bảo chất lượng theo quy định thì có thể tiến hành sản xuất lắp ráp xe mẫu. Sau đó, nhà máy mang xe mẫu đi thử nghiệm theo quy chuẩn để kiểm tra các thông số kỹ thuật, đo lượng khí thải nếu đạt chuẩn thì có thể sản xuất hàng loạt.
Từ 'gạch đá' Bphone 2, nhìn về VinFast và câu chuyện hàng Việt Cùng là thương hiệu Việt nhưng Bphone 2 chưa ra đời đã nhận nhiều chỉ trích. Trong khi đó, VinFast như thổi một luồng gió ... |
Bloomberg: Ô tô thương hiệu Việt, cơ hội và thách thức Vingroup sẽ phải đối mặt với những thách thức như các nhà chế tạo ô tô của Trung Quốc, khi gặp khó khăn trong việc ... |
Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST sẽ đóng góp 20.000 tỷ đồng cho ngân sách Hải Phòng Toàn bộ quy trình sản xuất được đặt tại Nhà máy VINFAST Hải Phòng, quy mô 335 ha. Sản phẩm VINFAST đầu tiên sẽ ra ... |