Soán ngôi Philippines, Việt Nam lần đầu trở thành thị trường ô tô lớn thứ 4 khu vực
Lần đầu tiên sau 3 năm, doanh số xe mới bán ra ở 6 nền kinh tế chính của Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng trong năm 2021. Nikkei nhận định đây là kết quả của doanh số bán ra tăng mạnh tại Indonesia và các lệnh hạn chế di chuyển do COVID-19 được giảm nhẹ trong nửa sau của năm.
Cụ thể, doanh số bán xe mới tại Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines và Singapore đạt 2,79 triệu xe trong năm 2021, tăng 14% so với năm 2020. Indonesia là quốc gia dẫn dắt tăng trưởng khi ghi nhận mức tăng lên tới 67%.
Dù vậy, mức tăng doanh số xe mới bán ra trong khu vực vẫn thấp hơn so với con số của năm 2019 tới khoảng 20%. Đây là thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát. Đợt phục hồi của ngành xe lần này không được như kỳ vọng vì nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển.
Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng bán dẫn cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và hoạt động sản xuất xe. Nhiều chuyên gia ngành nói rằng doanh số bán ra xe mới trong năm 2022 cũng khó tăng mạnh vì biến thể Omicron.
Indonesia vượt Thái Lan để trở thành thị trường tiêu thụ xe mới lớn nhất trong số 6 quốc gia khảo sát lần đầu tiên trong hai năm với doanh số 887.202 xe, nhờ đợt miễn thuế để thúc đẩy nhu cầu hồi tháng 3 năm ngoái.
Với thị phần hơn 30% ở Indonesia, Toyota Motor tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị trường ở Indonesia. Xếp ở vị trí thứ hai và thứ ba là Daihatsu Motor và Mitsubishi Motors.
Mặc dù đợt miễn thuế ở Indonesia được lên kế hoạch kết thúc vào cuối năm ngoái, chính phủ Indonesia đã quyết định sẽ mở rộng thời hạn cho một số khoản mục thuế cho tới cuối tháng 3 năm nay.
Trước quyết định đó, Hiệp hội Ngành xe Indonesia dự đoán doanh số xe mới bán ra tại quốc gia này trong năm 2022 sẽ chạm mốc 900.000 xe. Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu những chính sách thúc đẩy có thể đưa doanh số xe mới ở Indonesia về ngưỡng 1,03 triệu xe như mức trước đại dịch của năm 2019.
Ở Thái Lan, doanh số xe mới giảm trong 3 năm liên tiếp xuống còn 759.119 xe, giảm 4%. Doanh số bán xe trong nửa đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên đà tăng đã giảm sau khi lệnh phong toả được áp dụng ở Bangkok và nhiều thành phố khác hồi tháng 7. Bên cạnh đó, sựt giảm còn đến từ việc nhiều nhà sản xuất ngưng trệ hoạt động do thiếu bán dẫn và linh kiện.
Toyota, hãng xe dẫn đầu tại Thái Lan, dự đoán số lượng xe bán xe (bao gồm cả xe của hãng khác) tại Thái Lan sẽ rơi vào khoảng 860.000 xe trong năm 2022. Ngành xe Thái Lan đang "dần về mức bình thường", ông Noriaki Yamashita, Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan, chia sẻ. Dù vậy, khi sức mua suy giảm vì COVID-19, doanh số xe mới sẽ không thể quay về mốc 1 triệu xe của năm 2019 cho tới sau năm 2023.
Malaysia cũng chứng kiến thị trường xe thu nhỏ quy mô năm thứ hai liên tiếp khi doanh số giảm 4% trong năm 2021 xuống mức 508.911 xe. Hoạt động mua bán xe gần như đóng bằng khi chính phủ thực hiện lệnh phong toả trên toàn quốc vào tháng 6. Perodua, nhà sản xuất xe có thị phần lớn nhất tại Malaysia, ghi nhận mức giảm doanh số 14% vì thiếu linh kiện bán dẫn.
Doanh số xe mới tại quốc gia này được dự đoán tăng lên 600.000 xe trong năm 2022, theo Hiệp hội xe Malaysia. Tăng trưởng này có thể đến từ kinh tế phục hồi sau đại dịch và các chính sách ưu đãi thuế. Dù vậy, Malaysian Rating, một đơn vị xếp hạn tín dụng, dự đoán doanh số sẽ thấp hơn so với mức năm 2019 rất nhiều do tình trạng thiếu chip vẫn sẽ duy trì trong năm 2022.
Ở cả Việt Nam và Philippines, doanh số bán xe lần đầu tiên tăng sau hai năm với tốc độ lần lượt là 3% và 16% cùng doanh số cụ thể là 300.000 xe và 280.000 xe. Trong năm 2020 và 2021, Việt Nam là thị trường xe mới lớn thứ 4 Đông Nam Á. Đây là vị trí từng thuộc về Philippines suốt nhiều năm.