Bloomberg: Ô tô thương hiệu Việt, cơ hội và thách thức
Vingroup đầu tư 3,5 tỷ USD để sản xuất ô tô nội địa. |
Công ty bất động sản lớn nhất của Việt Nam, Vingroup cho biết đang lên kế hoạch đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp gồm nhà xưởng, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm tạo ra chiếc ô tô đầu tiên trong vòng 24 tháng.
Theo Phó Chủ tịch Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy, công ty sẽ tiến hành khởi công giai đoạn đầu tiên trị giá 1 – 1,5 tỷ USD của nhà máy vào thứ Bảy (2/9) với kế hoạch sản xuất xe du lịch, xe thể thao và xe điện trong tương lai.
“Chúng tôi muốn sản xuất những chiếc ô tô với giá phải chăng và chất lượng cao cho người Việt Nam”, bà Lê thị Thu Thủy trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại trụ sở của Vingroup tại Hà Nội.
Bà cũng cho biết thêm, Vingroup đã ký biên bản ghi nhớ với một ngân hàng đầu tư lớn để nhận một khoản vay tiềm năng trị giá lên tới 800 triệu USD, dù công ty có kế hoạch đầu tư hầu hết dự án bằng nguồn vốn của mình.
Tham vọng của Việt Nam giống những nổ lực của các doanh nghiệp Trung Quốc và Malaysia, trong việc cố gắng tạo ra những nhãn hiệu địa phương rẻ hơn để thu hút khách hàng trong khu vực, nơi nhiều thương hiệu quốc tế như Toyota và Volkswagen thống trị trong nhiều năm.
Vingroup sẽ phải đối mặt với những thách thức như các nhà chế tạo ô tô của Trung Quốc, khi gặp khó khăn trong việc giành khách hàng trên thị trường ô tô lớn nhất thế giới, ông Steve Man, chuyên gia phân tích ngành công nghiệp ô tô tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Các doanh nghiệp Trung Quốc như Geely, BYD, Beijing Auto và Chery đã cố gắng trong nhiều năm để sản xuất một nhãn hiệu ô tô nội địa. Số liệu từ Hiệp hội Sản xuất Ô tô Trung Quốc cho thấy, doanh số bán ô tô mang thương hiệu của Trung Quốc chiếm 43,5% tổng doanh số bán ô tô trong 7 tháng đầu năm.
Thiết kế mang phong cách Italy
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Vingroup sẽ đầu tư cho công ty mới, được gọi là VINFAST, bằng nguồn vốn của công ty. Vingroup sẽ chỉ định một nhà quản lý từ hãng chế tạo ô tô toàn cầu để trở thành CEO của công ty ô tô mới.
Bên cạnh đó, công ty muốn sử dụng thiết kế nhà theo phong cách Italy và sẽ phụ thuộc vào các công ty Mỹ và châu Âu để giúp phát triển những bộ phận chính như động cơ.
Theo ông Michel Tosto, người đứng đầu bộ phận bán hàng và môi giới của Viet Capital Securities nhận định, dự án ô tô sẽ là một thử thách rất khó khăn đối với Vingroup. Công ty nên tìm cách liên doanh với một hãng sản xuất ô tô nước ngoài.
“Vingroup không có chuyên môn và nguồn vốn cho dự án này. Đây là lĩnh vực mà các hãng quốc tế có lợi thế cạnh tranh”, ông Tosto nói.
Hiệp hội Sản xuất Ô tô Việt Nam cho biết, Toyota là nhà bán ô tô lớn nhất Việt Nam với 23% thị phần trong tháng 7, Ford đứng thứ hai với 12%.
Khu phức hợp của VINFAST được đặt tại cảng Hải Phòng và bước đầu sẽ sản xuất xe du lịch và SUV. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Vingroup lên kế hoạch từ từ mở rộng sang ô tô điện và nhỏ, mục tiêu sản xuất lên tới 500,000 ô tô các loại mỗi năm cho tới 2025. Khu phức hợp sẽ bao gồm một nhà máy sản xuất xe e – scooter, được dự kiến cho ra sản phẩm đầu tiên trong vòng 12 tháng.
“Dự án rất phức tạp. Tôi không nói đây sẽ là một kế hoạch dễ dàng”, bà cho biết.
Vingroup, khởi đầu là một công ty bất động sản, hiện là một tập đoàn với 7 lĩnh vực chính chính, gồm cả kinh doanh ô tô mới. Vingroup Retail, một chi nhánh của Vingroup được Warburg Pincus chống lưng, đang lên kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu tiên trên thị trường nội địa, và có thể trở thành đợt bán cổ phiếu lớn nhất Việt Nam trong khu vực tư nhân.
Nhà điều hành các trung tâm thương mại lên kế hoạch huy động vốn khi tăng trưởng kinh tế Việt Nam giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập sau thuế của người tiêu dùng.