Dù cách xa nghìn dặm, những người con Vũ Hán ở Pittsburg vẫn hướng về quê hương trong tâm dịch do virus corona
Thành phố "chị em" của Vũ Hán trên đất Mỹ
Năm 2003, khi đại dịch SARS lan rộng, Edward Zhang thậm chí còn chưa phải là một thiếu niên và đang sống cùng bố mẹ ở thành phố Vũ Hán. Anh chủ yếu cập nhật tình hình ở khu vực lân cận bằng tờ báo buổi sáng và bản tin phát mỗi tối.
Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ đó. Hiện nay, dịch do virus corona đang biến quê hương Vũ Hán của anh Zhang trở thành một thị trấn ma, bệnh viện quá tải và gia đình cùng như bạn bè của anh phải đeo khẩu trang trong chính nhà riêng của họ.
Tuy vậy, anh Zhang lại được cập nhật tình hình liên tục dù sống cách tâm dịch Vũ Hán hơn 11.200 km, ngay tại Pittsburg (bang Pennsylvania, Mỹ).
"Tôi có thể cập nhật tin tức nhanh hơn bố mẹ mình", anh Zhang chia sẻ. Anh cho biết bản thân có thể nhận được video, hình ảnh và tin tức ổn định từ bạn bè ở Vũ Hán, thậm chí còn có cả thông tin về các khu căn hộ cụ thể trong một số tòa nhà nhất định, nơi mà virus corona đã quét qua.
Rốt cuộc, thế giới này cũng rất nhỏ bé. Vì thế, sẽ thật đáng sợ nếu bệnh viêm phổi Vũ Hán trở thành một đại dịch toàn cầu.
Dù vậy, đối với người dân Vũ Hán sống tại Pittsburg, mọi thứ vẫn còn rất may mắn. Gần 40 năm qua, Pittsburg đã được xem là một "thành phố chị em" với Vũ Hán.
Sợi dây gắn kết hai thành phố tưởng chừng như xa lạ
New York Times cho biết tên gọi trên không mang ý nghĩa chính thức mà chỉ xuất hiện sau một số đợt hợp tác và viếng thăm của phái đoàn hai bên nhằm mục đích trao đổi ý tưởng và kế hoạch phát triển kinh tế.
Mặc dù vậy, mối quan hệ "chị em" giữa hai thành phố cũng đã thôi thúc các nhà lãnh đạo tại Pittsburg đề nghị giúp đỡ và một bộ phận cư dân gốc Vũ Hán như anh Zhang (28 tuổi) - đang làm việc cho một nhà bán lẻ trực tuyến mắt kính theo đơn thuốc của bác sĩ, ra tay tương trợ.
Đồng hành cùng nhiều nhóm vận động tại Pittsburg, anh Zhang đã giúp sức gây quĩ từ thiện trực tuyến đến gần 50.000 USD để cung ứng vật tư y tế cần thiết cho Vũ Hán.
Thành phố Vũ Hán lớn hơn nhiều so với Pittsburg, nhưng cả hai lại có một nét tương đồng nhất định.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thị trưởng Bill Peduto của Pittsburg đã gọi Vũ Hán là một thành phố hậu công nghiệp, nơi tạo ra nền kinh tế mới dựa trên công nghệ và y học.
Vũ Hán và Pittsburg trước đây đều đi lên từ ngành công nghiệp chế biến thép và nằm ở ngã ba sông lớn. Cũng tương tự như Pittsburg nhiều thập kỉ trước, Vũ Hán thời gian gần đây đã tiến hành dọn dẹp tàn dư của ngành công nghiệp cũ và tái thiết lại thành phố.
Những người con Vũ Hán bắt đầu định cư ở Pittsburg, một thành phố có khoảng 300.000 dân, vào cuối những năm 1980. Họ giữ liên lạc với người thân ở Vũ Hán bằng một nhóm WeChat và tụ họp hai lần mỗi năm để trò chuyện và ăn uống.
Các buổi gặp mặt như vậy không thể thiếu món mì khô nóng hổi yêu thích của cư dân Vũ Hán.
Theo New York Times, hiện có khoảng 200 - 300 người con Hồ Bắc đang sinh sống và lập nghiệp ở Pittsburg.
Ấm áp mối tương trợ của người dân Vũ Hán ở Pittsburg khi quê hương đang gồng mình gánh dịch virus corona
"Tôi ngạc nhiên lắm khi có nhiều người Hồ Bắc ở Pittsburg đến vậy", bác sĩ Jing He, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh từng lớn lên ở gần Vũ Hán và chuyển đến Pittsburg cách đây hai năm rưỡi, chia sẻ.
Giống Vũ Hán, Pittsburg là một thành phố lớn, tập trung nhiều trường đại học và cao đẳng. Có gần 3.000 du học sinh Trung Quốc tại Đại học Carnegie Mellon nổi tiếng và gần 1.900 sinh viên Trung Quốc khác tại Đại học Pittsburg, 53 người trong số này đến từ tỉnh Hồ Bắc.
Nhiều sinh viên Vũ Hán thường theo học chuyên ngành y tế và làm việc tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburg, một "gã khổng lồ" trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng sau khi nghe tin từ quê nhà Vũ Hán hồi tháng 1.
Ông Xiaoming Li, một kĩ sư lớn lên ở Vũ Hán nhưng đã sống tại Pittsburg hơn 26 năm, bộc bạch: "Tôi đã kể với bạn bè rằng, 'Tôi nghe có chuyện không hay xảy ra ở nhà', nhưng họ chỉ đáp 'Mọi thứ đều ổn cả'".
Tuy nhiên, đây chỉ là thời điểm đầu, khi mọi người nghĩ dịch bệnh chỉ giới hạn ở khách hàng và thương nhân ở chợ hải sản Hoa Nam, nơi được cho là nguồn gốc khởi phát dịch do virus corona.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc đột ngột tuyên bố rằng virus corona có thể lây từ người qua người và phong tỏa Vũ Hán, thành phố với hơn 11 triệu dân. Ban đầu, đó chỉ là một mối lo ngại nhất thời nhưng nay đã trở thành trường hợp mang tính khẩn cấp.
Người dân Vũ Hán ở Pittsburg, mà rất nhiều người trong số họ là bạn bè với bác sĩ ở các bệnh viện trên khắp Vũ Hán, liên tục nhận tin buồn.
"Vũ Hán đang thiếu nguồn cung vật tư y tế, thiếu đội ngũ y bác sĩ, thiếu mọi thứ", ông Li cho hay.
Bác sĩ He cũng nhận được thông tin như vậy. Anh nói: "Thật đáng sợ! Bạn cùng lớp với tôi đang làm việc ở một bệnh viện ở Vũ Hán. Tôi đã cố nhắn tin cho cô ấy nhưng cô không trả lời. Tôi nghĩ cô đang quá tải vì số bệnh nhân tăng lên không ngừng".
Tuy vậy, đây cũng là một lợi thế cho nhiều người con Vũ Hán ở Pittsburg. Họ có thể biết chính xác chuyên gia y tế nào đang cần khẩu trang, găng tay và các vật tư khác để gửi trực tiếp về quê nhà thay vì dựa vào các bên thứ ba như Hội Chữ thập Đỏ. Lô hàng đầu tiên đã được gửi về Vũ Hán.
Hoạt động gây quĩ vẫn đang tiếp tục, chủ của vài nhà hàng đồ ăn Trung Hoa đã quyên góp vài nghìn USD trong bữa tiệc tất niên mà cộng đồng người dân Vũ Hán ở Pittsburg tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất lúc này là tìm đủ nguồn cung vật tư y tế để thu mua.
Theo những người đứng ra gây quĩ, các nhà cung cấp Mỹ không muốn bán vật tư y tế số lượng lớn để phòng trường hợp dịch virus corona bùng phát ở Mỹ, khi mà nước này có 12 ca nhiễm bệnh tính đến tối ngày 6/2.
Tuy vậy, cộng đồng người dân Vũ Hán tại Pittsburg hiểu được tại sao người Mỹ lại chần chừ. Ưu tiên hàng đầu của Mỹ rõ ràng là ngăn dịch bệnh lây lan.
New York Times đưa tin tình nguyện viên trong các cộng đồng Hoa kiều tại Mỹ đang phụ trách mang nhu yếu phẩm cho các cá nhân vừa trở về từ Trung Quốc. Họ đang tự cách li như theo khuyến nghị của các tổ chức tại Pittsburg.
Cho đến nay, chưa có ca nhiễm virus nào được xác nhận ở Pittsburg nhưng anh Zhang đã sẵn sàng cho mọi trường hợp.
"Dịch do virus corona đã bùng phát ở quê nhà Vũ Hán của chúng tôi. Tôi không muốn nó xảy ra thêm ở đây", anh chia sẻ.