|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo xuất khẩu cà phê quý III sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung cạn kiệt

18:15 | 16/07/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu cà phê trong các tháng của quý III được dự báo sẽ giảm dần do nguồn cung dần hết. Phải đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại.

Nguồn cung cà phê cạn kiệt 

Số liệu Tổng Cục Hải quan cho thấy lượng xuất khẩu cà phê ngày càng giảm mạnh qua các tháng do nguồn cung đang dần cạn kiệt. Tính riêng trong tháng 6, lượng cà phê xuất khẩu chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 70.000 tấn. Đây là mức thấp nhất kể tháng 9/2023.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Lượng hàng xuất khẩu đã tăng đột biến từ tháng 11/2023 và kéo dài đến tháng 3 năm nay khi Việt Nam bước vào thu hoạch, giúp bổ sung nguồn hàng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu bắt đầu “hụt hơi” khi nguồn hàng vơi dần. 

Tính luỹ kế 9 tháng của niên vụ 2023 - 2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024),  Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023-2024 ước giảm 20% so với niên vụ 2022-2023, xuống còn 1,47 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm. Bên cạnh đó, sản lượng niên vụ 2024-2025 có thể tiếp tục giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi và tình trạng sâu bệnh khiến diện tích bị thu hẹp dần.

Như vậy, nếu không tính lượng hàng tồn kho của các năm chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 200.000 tấn để xuất khẩu từ nay đến tháng 9. 

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu dự báo: “Xuất khẩu cà phê trong các tháng của quý III sẽ giảm dần do nguồn cung dần hết. Phải đến tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 bắt đầu, thì nguồn cung cà phê mới tăng trở lại”.

Cơ quan này nhận định thêm mặc dù số liệu công bố cho thấy xuất khẩu cà phê của khu vực châu Phi tăng đáng kể, nhưng số lượng khá thấp so với tổng thể toàn cầu. Do đó, diễn biến về sản lượng và xuất khẩu từ châu Phi ít tác động đến thế giới.

Nguồn cung cà phê tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, khiến giá xuất khẩu và giá thế giới tăng mạnh. Tính đến tháng 6, giá cà phê robusta xuất khẩu lên tới gần 4.600 USD/tấn, cao nhất kể từ ít nhất năm 2009 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, dù lượng xuất khẩu giảm một nửa nhưng kim ngạch chỉ giảm khoảng 15%. 

Tính chung nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt gần 3,2 tỷ USD, tức chỉ còn cách năm ngoái khoảng 1 tỷ USD và cao hơn cả năm 2021 (đạt gần 3,1 tỷ USD).

Còn ở sàn giao dịch London, giá cà phê robusta đã tiếp tục tăng và chinh phục mức kỷ lục mới 4.667 USD/tấn vào hôm 9/7. 

  Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Tình trạng thiếu nguồn cung có thể diễn ra trong thời gian dài

Nguồn cung cà phê tại Việt Nam hiện đang là tâm điểm chú ý của các nhà rang xay lớn trên thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Bloomberg, ông Giuseppe Lavazza, Chủ tịch công ty rang xay cà phê Luigi Lavazza SpA, đã dự đoán về một đợt thiếu hụt sản lượng nữa ở Việt Nam. Điều này đang thúc đẩy giá tăng vọt đối với loại hạt cà phê này.

Ông cho biết thêm rằng vụ thu hoạch kém năng suất năm nay đã khiến những người rang xay phải trả giá cao hơn giá tương lai tới 1.000 USD/tấn cho hạt cà phê Việt Nam.

“Điều này chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê. Và điều rất đặc biệt là hiệu ứng giá cà phê tăng đang kéo dài ra”, ông Lavazza cho biết.

Vị này nói thêm, giá cao hơn, kết hợp với chi phí vận chuyển tăng do sự gián đoạn ở Kênh đào Suez và đồng USD mạnh hơn, đã khiến chi phí của các công ty rang xay cà phê Italy tăng vọt hơn 800 triệu euro (865 triệu USD) trong hai năm qua.

Ngoài ra, với quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu hay EUDR có hiệu lực vào cuối năm nay, "nhiều công ty sẽ mua cà phê sớm hơn một chút", nhằm mục đích bỏ qua yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng của họ không liên quan đến đất bị phá rừng sau năm 2020.

Còn theo Tổ chức Nghiên cứu Cà phê Thế giới, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040.

Cơ quan này giải thích mặc dù cây cà phê robusta có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sâu bệnh tốt hơn arabica nhưng không có nghĩa là miễn nhiễm, đặc biệt là các loại bệnh gây hại cao và hình thái thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng robusta chưa được đầu tư chăm sóc, lai tạo cải tiến trong thời gian dài cũng đặt ra thách thức về sản lượng. 

H.Mĩ