|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo trái chiều về sản lượng đường: Người nói thiếu hàng triệu tấn, người nói dư thừa

07:24 | 02/03/2021
Chia sẻ
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) vừa đưa ra điều chỉnh mới, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt 4,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2020 - 2021. Trong khi đó, một nhà phân tích hàng hóa tại Australia cho rằng thị trường sẽ dư cung khoảng 500.000 tấn.

Hôm 25/2, Reuters đưa tin nhà phân tích hàng hóa Green Pool của Green Pool Commodity Specialists (GPCS) đã đưa ra điều chỉnh đối với dự báo thị trường đường toàn cầu niên vụ 2020 - 2021.

Cụ thể, ông Pool nhận thấy thị trường có thể dư khoảng 500.000 tấn đường thô, giảm đáng kể so với dự báo dư 3,28 triệu tấn hồi cuối tháng 1. Kết quả dự báo mới có được sau khi vị chuyên gia hạ ước tính sản lượng của hai nhà sản xuất đường lớn là Ấn Độ và Thái Lan.

Trong báo cáo, nhà phân tích Green Pool cho biết: "Vụ mía của Thái Lan trong niên vụ 2020 - 2021 dường như không tốt bằng niên vụ 2019 - 2020".

"Sản lượng của Ấn Độ cũng không nhiều như chúng tôi dự báo trước đó. Ở báo cáo mới, chúng tôi ước tính sản lượng của Ấn Độ trong niên vụ hiện tại là khoảng 31,6 triệu tấn, dù đi xuống so với dự báo cũ nhưng vẫn cao hơn sản lượng niên vụ trước là 27,2 triệu tấn", ông Pool nói thêm.

Ông Pool cho biết, sản lượng đường thế giới ước tăng 8% từ mức thấp của niên vụ 2019 - 2020 lên 186,72 triệu tấn trong niên vụ 2020 - 2021. Trong niên vụ trước, nhà phân tích người Australia này ước tính thị trường đường sẽ thiếu hụt khoảng 12,05 triệu tấn.

Dự báo trái chiều về sản lượng đường thế giới - Ảnh 1.

Hình ảnh một cánh đồng mía tại Brazil, nhà sản xuất đường mía lớn nhất thế giới trong niên vụ 2019/20. (Ảnh: Reuters).

Vị chuyên gia của GPCS cũng hạ dự báo dư cung niên vụ 2021 - 2022, một phần là do nhu cầu dự kiến sẽ tăng khi đại dịch COVID-19 lắng dịu và Trung Quốc tiêu thụ nhiều đường mía và ít đường làm từ bắp (HFCS) hơn.

Ông Pool nhận định, thị trường sẽ dư khoảng 4,08 triệu tấn đường trong niên vụ 2021 - 2022, giảm 370.000 tấn so với ước tính hồi tháng 1. Ngoài ra, ông còn dự đoán sản lượng đường niên vụ 2021/22 tăng 5,7 triệu tấn lên 192,4 triệu tấn; trong khi tiêu thụ đường mía sẽ nhích lên 187,36 triệu tấn trong niên vụ 2021 - 2022, tức là tăng khoảng 1% so với cùng kỳ niên vụ trước.

"Chúng tôi cho rằng các nước sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế khi chiến dịch tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi hơn. Đồng thời, đường HFCS sẽ mất một phần thị phần ở Trung Quốc", ông Pool làm rõ.

"Hơn nữa, chúng tôi dự báo Brazil sẽ chỉ sản xuất được khoảng 35 triệu tấn đường trong niên vụ tới, song sản lượng của nhà sản xuất này có thể tăng nếu mối tương quan giữa giá đường và giá ethanol tiếp tục có lợi cho đường", nhà phân tích nói thêm.

Song, trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng quý công bố hồi cuối tháng 2, ISO dự đoán toàn thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường trong niên vụ 2020/21, tăng so với dự báo thiếu 3,5 triệu tấn hồi tháng 11/2020.

Tháng 11 năm ngoái, ISO nhận định sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2020 - 2021 sẽ tụt từ 173,5 triệu tấn (dự báo trước đó) xuống còn 171,1 triệu tấn, vì sản lượng của các nhà sản xuất đường lớn gồm Thái Lan, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đều được dự báo giảm. Trong khi đó, ISO nâng dự báo tiêu thụ đường trong niên vụ 2020/21 từ 174,2 triệu tấn lên 174,6 triệu tấn. 

Còn vào đầu tháng 2, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dẫn thông tin khác từ ISO cho biết, trong nửa đầu tháng 1 năm nay, chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng tiếp tục dao động theo xu hướng tăng của các tháng trước và đạt đỉnh 3 năm rưỡi vào ngày 14/1. Trong nửa cuối tháng 1, giá đường ghi nhận sự đảo chiều sau khi đường Ấn Độ được bơm vào thị trường, song nhìn chung giá đường vẫn neo ở mức cao.

Theo báo cáo của VSSA, thời tiết đang thuận lợi tại các vùng trồng mía đường của Brazil và sản lượng đường của Ấn Độ đang tăng, nhưng sản lượng của Thái Lan và EU lại giảm. Ngoài ra, chính phủ các nước đang triển khai tiêm ngừa vắc xin COVID-19 ở nhiều mức độ khác nhau.

Chính các yếu tố nêu trên đã khiến giới phân tích đưa ra nhận định trái chiều về thị trường đường thế giới, báo cáo nêu rõ. Ngoài ISO và nhà phân tích Green Pool, hãng tư vấn FO Licht, Rabobank và S&P Global Platts cũng có dự báo riêng.

Cụ thể, FO Licht nhận định vụ 2020 - 2021 sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn đường, trong khi Rabobank dự kiến chỉ thâm hụt khoảng 0,3 triệu tấn, còn S&P Global Platts lại cho rằng sẽ thặng dư khoảng 121,000 tấn.

Khả Nhân