Dự báo tiêu thụ cao su sẽ chậm lại
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng cao su thiên nhiên của các nước thành viên ước đạt 5,89 triệu tấn, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng cao su thiên nhiên có xu hướng tăng tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhưng lại giảm ở Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ.
Trong 7 tháng đầu năm nay, tiêu thụ cao su thiên nhiên của các nước thành viên ANRPC tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,7 triệu tấn. Dự báo trong những tháng cuối năm 2016, tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ chậm lại do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước sự kiện Anh rời khỏi EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đầu năm nay, các nước sản xuất cao su hàng đầu châu Á đã thống nhất giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng 3/2016, để kéo giá tăng trở lại sau khi giảm sâu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu do nguồn cung dư thừa. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đến nay chưa thực sự hiệu quả.
Tại Thái Lan, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng cao su xuất khẩu của nước này đã đạt 2,25 triệu tấn, tăng 11,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Giống như Thái Lan, việc thực hiện cắt giảm xuất khẩu của Indonesia và Malaysia cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, về cơ bản có thể xác định việc hạn chế xuất khẩu cao su của nhà cung cấp chủ chốt đã thất bại, khối lượng xuất khẩu tăng lại gây áp lực dư cung và giảm giá cao su.
Trong khi đó, áp lực tiếp tục đè nặng lên thị trường cao su khi Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm 40% sản lượng lốp xe trong nỗ lực ứng phó tình trạng công suất dư thừa. Bộ Công nghiệp Trung Quốc đã thực hiện một dự án trọng điểm nhằm điều chỉnh hoạt động sản xuất lốp xe. Điều này đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn, đặc biệt đối với các công ty sản xuất nhỏ và những công ty mới trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải, tiêu thụ nhiên liệu và tác động đến môi trường.
Thị trường cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) biến động mạnh mẽ trong tháng 8/2016, với xu hướng trái chiều. Trong đó, hợp đồng benchmark đạt mức cao 10 ngày vào cuối phiên 8/8, ở mức 156,3 yên/kg khi giá dầu tăng, trong bối cảnh gia tăng dự đoán OPEC sẽ hạn chế sản xuất để đẩy giá tăng. Sau đó, thị trường bắt đầu đi xuống, giá giảm liên tiếp trong 2 phiên giao dịch 9/8 và 10/8 do đồng yên tăng mạnh và giá dầu suy yếu trở lại.
Đỉnh điểm của tháng 8/2016 là phiên giao dịch 15/8 ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 3 tuần do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải tăng và kỳ vọng Bắc Kinh có thể đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới. Hợp đồng benchmark tháng 1/2017 cuối phiên 15/8 đạt 158,9 yên/kg. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 1/2017 tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,5%, lên 13.115 NDT (tương đương 1.976,04 USD)/tấn.
Sau thời điểm đó, thị trường cao su giao kỳ hạn Tocom quay đầu giảm mạnh do giá dầu suy yếu và tác động giảm giá từ Sở Giao dịch Cao su Thượng Hải. Kết thúc phiên giao dịch 23/8, hợp đồng benchmark giao tháng 1/2017 chạm mức thấp trong 1,5 tuần, đạt 152,1 yên/kg, giảm 3 yên/kg so với phiên trước (22/8). Xu hướng này vẫn chưa dừng lại trong phiên tiếp theo (24/8), khi hợp đồng benchmark giảm tiếp xuống còn 151,7 yên/kg lúc đóng cửa.
Thị trường cao su thế giới vừa đón nhận nhiều thông tin kém tích cực từ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia tiêu dùng cao su chủ chốt thế giới, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu. Số liệu mới được công bố tuần qua cho thấy nền kinh tế lớn nhì thế giới là Trung Quốc vẫn chưa thể ổn định và tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy giảm. Theo đó, tất cả các chỉ số vĩ mô bao gồm sản xuất, bán lẻ, đầu tư, cho vay… đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với dự báo.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng đầu tuần qua lên mức cao nhất 5 tuần do nguồn tin tại OPEC cho biết Arab Saudi muốn thúc đẩy giá dầu thô tăng cao, trong khi Nga họp nhóm các nước sản xuất để thảo luận về thị trường.
Với thị trường trong nước, trong 20 ngày đầu tháng 8/2016, giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh diễn biến trái chiều, với cao su SVR 3L giảm, còn cao su SVR10 lại tăng nhẹ. Cụ thể: cao su SVR3L giảm từ 30.100 đ/kg (1/8) xuống còn 28.800 đ/kg (17/8); trong khi cao su SVR10 tăng từ 26.100 đ/kg lên 27.500 đ/kg. Giá mủ cao su dạng nước tại Bình Phước diễn biến tăng tích cực, từ 6.720 đ/kg lên 7.040 đ/kg và hiện là 7.360 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Mặt hàng cao su thiên nhiên đã ổn định được thị trường xuất khẩu, trong đó xuất khẩu chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc. Nhu cầu và nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ô tô của thị trường Trung Quốc tăng nhẹ. Tuy nhiên, sản lượng cao su xuất khẩu của các công ty, đơn vị chưa vượt qua ngưỡng 10.000 tấn/tuần như dự kiến đề ra đầu tháng 6/2016. Cao su tiểu điền tham gia xuất khẩu mới đạt mức sản lượng từ 1.500 – 2.000 tấn/tuần. Sản lượng cao su xuất khẩu đạt từ 8.860 – 9.080 tấn/tuần, giá xuất khẩu dao động từ 10.400 – 10.600 NDT/tấn.
Bắt đầu từ tháng 8/2016, xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam sang Trung Quốc có thêm điều kiện giao hàng FOB tại một số cảng của Việt Nam. Hiện tại đã có nhiều khách hàng lớn của Trung Quốc sang ký hợp đồng nhận hàng theo điều kiện FOB để giảm chi phí.
Một vấn đề đặt ra cho xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam là cần đa dạng hóa sản phẩm sơ chế để đáp ứng nhu cầu hiện nay của các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Các đơn vị xuất khẩu mặt hàng này của các nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia có sự phong phú về sản phẩm cao su sơ chế xuất khẩu, tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu lựa chọn, thúc đẩy tốc độ tiêu thụ và đạt hiệu quả kinh doanh tốt.
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8 năm 2016 đạt 129 nghìn tấn với giá trị đạt 165 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2016 đạt 701 nghìn tấn và 880 triệu USD, tăng 10,4% về khối lượng nhưng giảm 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1.250 USD/tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016, chiếm 64% thị phần. Bảy tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 9,7%; thị trường Ấn Độ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 8/2016 đạt 36 nghìn tấn với giá trị đạt 56 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này 8 tháng đầu năm 2016 đạt 265 nghìn tấn với giá trị đạt 405 triệu USD, tăng 6,5% về khối lượng nhưng lại giảm 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2016 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Đài Loan, chiếm 56,4% thị phần.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su đều tăng về khối lượng ngoại trừ 2 thị trường là Campuchia và Nga, trong đó thị trường Cam-pu-chia giảm 10,4% và thị trường Nga giảm 8,5%. Còn về giá trị, có 4 thị trường có giá trị nhập khẩu cao su tăng trong 7 tháng đầu năm 2016 là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Indonesia với giá trị tăng lần lượt là 26,2%, 10,7%, 4,4% và 1%. Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm 2016 giảm.