'Dự báo nhập siêu, thực tế lại xuất siêu'
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 15/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp nền kinh tế đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
"Qui mô GDP tăng lên khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD một người", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7,9%, tương đương 263 tỷ USD, trong đó xuất siêu dự báo cả năm khoảng 1 tỷ USD.
Cho rằng Chính phủ đã cố gắng điều hành kinh tế vĩ mô "đạt kết quả khả quan", nhưng trong quá trình thẩm tra các dữ liệu này, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần phân tích cụ thể hơn các chỉ số vĩ mô quan trọng.
Chẳng hạn, kinh nghiệm kiềm chế lạm phát, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 2,5% trong 9 tháng đầu năm. Phân tích này theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, là quan trọng, bởi thực tế giá nhiều mặt hàng, dịch vụ (thực phẩm, thịt lợn, điện, thuốc...) đều trong xu hướng tăng.
Ông Thanh lưu ý tới con số dự báo tỷ lệ nhập siêu khoảng 3% được Chính phủ đưa ra trong báo cáo. "Cơ sở xác định chỉ tiêu này hàng năm, cụ thể năm 2020 thế nào, bởi 3 năm nay Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu 3%, song thực tế lại xuất siêu", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Chính phủ dự báo nhập siêu năm 2020 khoảng 3% là phù hợp, dù Việt Nam vẫn xuất siêu 3 năm qua. Sự hợp lý này được ông phân tích qua số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang 6 thị trường lớn là Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN sẽ khó khăn hơn.
Riêng 2 thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc, ông Định nhận xét, tới đây sẽ khó khăn hơn. 9 tháng đầu năm xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 28,2% so với năm 2018. Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3%; nhập siêu từ Trung Quốc đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,4%. "Xuất khẩu năm tới sẽ khó khăn hơn", ông Định nhận xét.
Đề cập tới tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tăng 7,9% năm nay, ông Vũ Hồng Thanh nói, là kết quả khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thuỷ sản, rau quả, sản phẩm điện tử, linh kiện... đều chậm lại.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu tăng GDP năm 2020 là khoảng 6,8% (tương tự như kết quả ước đạt năm 2019), trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 7%, thấp hơn kết quả ước đạt năm 2019. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn căn cứ xây dựng chỉ tiêu tăng GDP thông qua các yếu tố đóng góp vào GDP năm 2020 (so sánh với năm 2019) như tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư tích lũy tài sản.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng băn khoăn khi "những việc làm, giải pháp cụ thể những tháng cuối năm chưa được Chính phủ đề cập rõ trong báo cáo kinh tế xã hội lần này". Theo ông, số liệu xuất khẩu 9 tháng năm nay tăng nhưng xét về tỷ trọng lại giảm so với cùng kỳ 2 năm trước, nên sẽ tác động tới tăng trưởng. "Khi đó Chính phủ phải có giải pháp cho đầu tư, tiêu dùng nội địa để kích cầu tăng trưởng. Cùng đó, đầu tư công phải đẩy mạnh hơn", ông lưu ý.
Cũng góp ý vào báo cáo của Chính phủ, các ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động tới Việt Nam. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, ở thời điểm đầu khi cuộc chiến này nổ ra, nhiều dự báo và phân tích Việt Nam sẽ hưởng lợi. Song, thực tế thương chiến này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên cần có đánh giá kỹ cơ hội, tác động với kinh tế Việt Nam để ứng phó.
"Biết mình biết ta thì trăm trận, trăm thắng. Nhưng muốn thắng thì phải đánh giá kỹ tình hình, quyết tâm thì mới thắng được. Nếu không chúng ta sẽ say sưa với cái lợi, rồi chủ quan", Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.