|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Dự báo con số lợi nhuận các ngân hàng năm 2019

15:03 | 26/12/2019
Chia sẻ
Mặc dù có chịu ảnh hưởng từ thông tư 22 và thông tư 18 nhưng các công ty chứng khoán đều nhận định rằng năm 2019, kết quả kinh doanh của các ngân hàng có chiều hướng tích cực.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc 2019, nhiều ngân hàng đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh dự kiến năm như Sacombank, VIB, ABBank,... Tuy nhiên tại nhiều ngân hàng con số lợi nhuận vẫn là dấu chấm hỏi lớn. 

Các công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo về tình hình kinh doanh của một số ngân hàng năm 2019 cũng như những triển vọng 2020. Dưới đây là một số nhận định của công ty chứng khoán về tình hoạt động của các ngân hàng năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank có thể đạt 22.566 tỉ đồng

Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dư địa tăng trưởng của Vietcombank vẫn còn lớn trong những năm tới nhờ tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục được mở rộng, thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm và nợ xấu được kiểm soát.

BVSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Vietcombank có thể đạt 22.566 tỉ đồng và có thể vượt 32.000 tỉ đồng vào năm 2020.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của BVSC kì vọng ngân hàng sẽ tăng vốn thành công như đã trình tại Đại hội đồng cổ đông 2019: tăng vốn điều lệ từ 37.000 tỉ đồng lên 55.000 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỉ lệ tối đa 40% từ nguồn vốn chủ sở hữu và sau đó phát hành riêng lẻ 6,5%.

Nếu tăng vốn thành công, BVSC ước tính hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Vietcombank sẽ tăng từ mức 9,4% trong 2019 lên trên 11% trong các năm tiếp theo, một mức rất an toàn để hỗ trợ tăng trưởng.

Còn trường hợp tăng vốn không thành công, ước tính Vietcombank vẫn có khả năng duy trì CAR theo Basel II ở mức khoảng 10% nhờ có lợi nhuận cao trong các năm tới.

Dự báo con số lợi nhuận các ngân hàng năm 2019 - Ảnh 1.

Nguồn: Vietcombank.

Lợi nhuận sau thuế của Techcombank ước đạt 9.465 tỉ đồng

Tại Techcombank, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thu nhập thuần năm 2019 tăng nhẹ 0,7% lên 9.500 tỉ đồng chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí dự phòng.

VCSC cũng dự báo tăng trưởng cho vay của ngân hàng tăng từ 17,5% lên 28,8%, nhưng cho rằng tăng trưởng sẽ chững lại trong quí IV sau khi tăng mạnh trong quí II và quý III, tạo cơ hội cho hoạt động tích lũy trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2019 của Techcombank được dự báo đạt 9.465 tỉ đồng, tăng gần 12% so với 2018.

Đồng thời, VCSC nhận định tăng trưởng mạnh mẽ của mảng cho vay mua nhà trong năm 2019 sẽ hỗ trợ lợi suất cho vay trong năm 2020, từ đó dẫn dắt tăng trưởng NIM. Mảng cho vay mua nhà sẽ tiếp tục sẽ yếu tố dẫn dắt chính cho tăng trưởng với lợi suất 9 - 11% .

VCSC kì vọng lợi suất cho vay sẽ bình ổn trong năm 2020 sau giai đoạn trợ giá của dự án Vinhomes kết thúc.

Hiện tỉ lệ nợ xấu của Techcombank vẫn duy trì thấp, nhưng VCSC cho rằng chi phí dự phòng sẽ tăng trong năm 2020. Tuy nhiên, chi phí dự phòng của ngân hàng có thể gia tăng, đạt 1,07% trong năm 2020 nhằm củng cố bao phủ dự phòng khi tỉ lệ dự phòng thất thoát vốn (LLR) hiện tại là 77%, thấp hơn so với các ngân hàng tăng trưởng ổn định khác.

Dự báo con số lợi nhuận các ngân hàng năm 2019 - Ảnh 2.

Nguồn: Techcombank.

VietinBank: Lợi nhuận ước đạt 7.637 tỉ đồng, kì vọng xử lí hết nợ xấu VAMC vào cuối năm 2020

Theo nhận định của VCSC, dự phòng VAMC của VietinBank sẽ tiếp tục tăng trong quí IV/2019 và trong 6 tháng 2020. Theo đó, ngân hàng có thể lập dự phòng 62% của số dư ròng còn lại trong quí cuối cùng của năm 2019 và phần còn lại sẽ được xử lí hoàn toàn vào cuối năm 2020.

Về kết quả kinh doanh 2019, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế của VietinBank có thể đạt 7.637 tỉ đồng, tăng 41% so với 2018.

Bên cạnh đó, VCSC chỉ ra rằng Thông tư 22 qui định mức tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) tối đa sẽ là 85% cho tất cả ngân hàng từ năm 2020, diễn biến ảnh hưởng đến VietinBank.

Tỉ lệ LDR qui định của ngân hàng đạt 89% tính đến cuối quí III/2019. Tăng trưởng cho vay đã chững lại trong 9 tháng 2019 đạt 3,9% do hạn chế về an toàn vốn. Theo VCSC, triển vọng trong việc mở rộng sang cho vay bán lẻ để nâng lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) là tích cực.

Tuy nhiên, ngân hàng hiện cần giảm giảm tốc tăng trưởng cho vay và theo đuổi huy động từ khách hàng/giấy tờ có giá nhằm tuân thủ mức trần LDR 85% trong năm 2020, vốn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng biên lợi nhuận. NIM của ngân hàng cũng khó vượt ngưỡng 2,9%.

Dự báo con số lợi nhuận các ngân hàng năm 2019 - Ảnh 3.

Nguồn: VietinBank

Dự báo lãi ròng của ACB sẽ vượt 6.000 tỉ đồng

Đối với ACB, VCSC dự báo với việc áp dụng Thông tư 22 sẽ làm giảm áp lực cho huy động khách hàng cũng như tăng khả năng tận dụng lượng tiền mặt dư thừa cho các tài sản sinh lời cao hơn, do đó sẽ mang lại sự tăng trưởng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ACB.

Cùng với đó, các chuyên gia kì vọng tích cực vào tác động trong trung hạn từ hai quyết định giảm lãi suất của NHNN tới NIM của ngân hàng. Cụ thể, mức giảm lãi suất tiền gửi có kì hạn từ 1-6 tháng (chiếm khoảng 60% tiền gửi khách hàng tại ACB) được đánh giá là cao hơn mức giảm lợi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) (chiếm khoảng 33% khoản vay khách hàng).

VCSC dự báo tỉ lệ NIM cho năm 2019 và 2020 sẽ tăng 5 điểm phần trăm cơ bản/năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng lần lượt đạt 17% và 15%. Lợi nhuận sau thuế 2019 được kì vọng đạt hơn 6.000 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Bên cạnh đó, tỉ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm thấp sẽ tạo ra dư địa cho diễn biến tiếp tục hoàn nhập dự phòng trong năm 2020.

Nếu chu kì tín dụng tiếp tục có diễn biến thuận lợi, như kì vọng, ACB sẽ có triển vọng hoàn nhập thêm dự phòng trong năm 2020 ngoài lượng hoàn nhập đã thực hiện trong năm 2019.

Đối với mảng bảo hiểm, VCSC cho rằng ACB sẽ đạt được thỏa thuận vào quí IV/2020 và phí thâm nhập ứng trước có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn cho ngân hàng.

Lợi nhuận sau thuế BIDV ước đạt 8.500 tỉ đồng nếu mua lại 279 triệu USD trái phiếu VAMC

Trong năm 2019, VCSC cho rằng BIDV sẽ mua lại 279 triệu USD trái phiếu đặc biệt VAMC và xử lí trong năm 2019, dẫn đến chi phí dự phòng có thể tăng 11,1% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế được dự báo đạt 8.500 tỉ đồng, tăng 13%.

Đồng thời, VCSC đánh giá BIDV bị ảnh hưởng bởi Thông tư 22, nhưng khả năng đạt chuẩn Basel II sẽ giúp ngân hàng tránh bị ảnh hưởng bởi khía cạnh tiêu cực nhất trong Thông tư.

Thông tư 22 sẽ có tác động khiến BIDV tìm kiếm các nguồn vốn huy động/giấy tờ có giá dài hạn và tương ứng là xu hướng gia tăng trong chi phí huy động trong vài năm tới.

Một điểm sáng là lượng tiền mặt mới 871 triệu USD từ KEB Hana trong tháng 11 đã hỗ trợ cho BIDV đáp ứng tiêu chuẩn của Thông tư 41 vào năm 2020. Qua đó giúp BIDV tránh phải gia tăng tỉ trọng tài sản rủi ro và cho phép tăng trưởng cho vay mua nhà.

VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế MBBank tăng lên 7.700 tỉ đồng

Năm 2019, VCSC dự báo cho lợi nhuận sau thuế của MBBank tăng thêm 0,3% đạt 7.700 tỉ đồng khi mức điều chỉnh tăng 6,3% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng bù trừ.

Trong đó, tăng trưởng cho vay năm 2019 có thể ở mức 15% với kì vọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành sẽ lấp đầy 17% hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tiếp tục tăng nhờ gia tăng tỉ trọng cho vay bán lẻ và trái phiếu doanh nghiệp trong tổng IEA, tuy nhiên VCSC cho rằng rủi ro gia tăng khi trái phiếu doanh nghiệp nhiều khả năng đến từ ngành bất động sản.

Dự báo năm 2020, VCSC cho rằng MBBank sẽ tăng tỉ trọng mảng cho vay bán lẻ lên 41%. Ngoài ra, số dư trái phiếu doanh nghiệp của nhà băng này tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động tích cực đến IEA.

Về mặt chi phí huy động, VCSC cho rằng tăng trưởng giấy tờ có giá sẽ chững lại trong năm 2020 khi tăng trưởng cho vay chững lại của MCredit và kế hoạch chào bán 244 triệu USD trong quí I/2020 sẽ giảm nhu cầu vốn cấp 2.

Lợi nhuận trước thuế 2019 của TPBank có thể đạt 3.200 tỉ đồng

Đối với TPBank, CTCP Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng tín dụng và tiền gửi khách hàng 2019 của ngân hàng tăng lên 17,8% và 18,5% đồng thời NIM ước tính cải thiện mạnh lên 4,58%, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh từ đầu năm và sự thay đổi rõ rệt hơn về cho vay mua nhà thế chấp có lãi suất cao hơn.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế 2019 của TPBank kì vọng sẽ tăng 41,8% đạt 3.200 tỉ đồng, tương ứng ROA và ROE là 1,8% và 21,54%.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này được dự báo tăng 31,6% lên 4.210 tỉ đồng, nhờ tăng trưởng tín dụng và tiền gửi ở mức 17,7% và 18,5%.

TPBank có kế hoạch mua toàn bộ một công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng của ngân hàng và sẽ thành lập công ty 'TPB AMC' vào năm 2019. Do đó, tính đến năm 2020, SSI kì vọng ngân hàng sẽ có nguồn thu nhập đa dạng hơn, với mảng tài chính tiêu dùng và mua bán nợ được mở rộng.

Dự báo con số lợi nhuận các ngân hàng năm 2019 - Ảnh 4.

Nguồn: TPBank.

Bên cạnh những ngân hàng trên, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế 2019 của HDBank ở mức 3.100 tỉ đồng, tăng 9,1% so với 2018. Công ty chứng khoán kì vọng chi phí dự phòng sẽ tăng trong quí IV khi xử lí số dư VAMC.

Thu Hoài

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.