Dự báo châu Á sẽ thành công xưởng sản xuất Robot AI của thế giới
Các nhà lãnh đạo công nghệ trong khu vực đang dần chuyển sự chú ý từ phần mềm và chatbot sang những ứng dụng AI mang tính vật lý, cụ thể là phần cứng và robot, theo bà Catherine Thorbecke, cây bút bình luận của Bloomberg Opinion. Ngoài ra, bà cũng chia sẻ góc nhìn về xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Á.
Thorbecke dẫn lời Jensen Huang, CEO Nvidia, tại một sự kiện ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), nhấn mạnh rằng “kỷ nguyên của robot đã đến.” Bà cho rằng châu Á đang có nhiều lợi thế độc đáo để thúc đẩy bước tiến mới trong tích hợp AI vào thế giới vật lý, đặc biệt là khi khu vực này vốn nổi tiếng với thế mạnh sản xuất phần cứng. Trong khi Mỹ dẫn đầu về các tiến bộ AI, các tập đoàn công nghệ châu Á lại xuất sắc trong việc thương mại hóa công nghệ.
Dựa trên dự báo của Citigroup, bà chỉ ra rằng số lượng robot AI trên toàn cầu có thể đạt 1,3 tỷ vào năm 2035 và tăng lên 4 tỷ vào năm 2050, với sự đóng góp đáng kể từ Trung Quốc. Thorbecke cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện chiếm tới 78% tổng số bằng sáng chế về robot trong hai thập kỷ qua, vượt xa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngoài ra, bà cho biết Nhật Bản đang ở vị thế thuận lợi trong việc triển khai công nghệ tự động hóa để đối phó với tình trạng dân số già và lực lượng lao động giảm. Trong khi đó, sự thiếu hụt nhân lực tại châu Á khiến khu vực này có xu hướng chào đón robot tự động hóa, trái ngược với lo ngại về việc mất việc làm tại Mỹ.
Thorbecke cũng nêu bật một số ví dụ sáng tạo đã xuất hiện trong khu vực, như startup tại Thâm Quyến sử dụng robot AI để nấu ăn, hay công cụ của Fujitsu giúp bảo tồn nghệ thuật Noh tại Nhật Bản. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng sự kỳ vọng đối với robot tại châu Á thường bị thổi phồng trong các bài viết phương Tây, trong khi thực tế phức tạp hơn.
Bà kết luận rằng dù có những thách thức, AI và robot sẽ sớm đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, và phần lớn sự phát triển này có khả năng sẽ đến từ châu Á.
Đầu năm nay, Bảo tàng Tương lai tại Dubai đã giới thiệu robot hướng dẫn trí tuệ nhân tạo mang tên Ameca trong triển lãm "Tomorrow Today (Ngày mai - Hôm nay)".
Ameca, được chế tạo bởi công ty Engineered Arts của Anh, có khả năng trả lời các câu hỏi đơn giản từ khách tham quan về bảo tàng. Điểm đặc biệt của robot này nằm ở biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ cơ thể chân thực đến mức đáng kinh ngạc, theo CNN.
Majed Al Mansoori, Phó giám đốc điều hành của Bảo tàng Tương lai, nhận xét: “Công nghệ này đã phát triển theo những cách mà không ai có thể tưởng tượng được.” Ông giải thích rằng mục tiêu của Ameca là trình diễn và quảng bá công nghệ hiện đại. “Chúng tôi từng chứng kiến nhiều người cố gắng đặt những câu hỏi hóc búa để chứng minh con người thông minh hơn AI.”
Al Mansoori tin rằng robot tích hợp AI như Ameca có tiềm năng được ứng dụng trong các ngành du lịch và hàng không, đặc biệt là làm hướng dẫn viên tại các địa điểm cần chỉ dẫn như bệnh viện, trường đại học hay trung tâm mua sắm.
Trong bối cảnh AI ngày càng hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người cảm thấy lo lắng về tác động của công nghệ này đối với quyền riêng tư, việc làm và kết nối giữa con người.
Các thuật toán AI được sử dụng để đề xuất nội dung trên mạng xã hội bị chỉ trích vì có thể tạo ra "hiệu ứng vang dội" (echo chamber), củng cố quan điểm cá nhân và gây chia rẽ xã hội. Ngoài ra, sự phát triển của video deepfake cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.
Việc cho phép con người tương tác với các robot thân thiện và gần gũi như Ameca có thể giúp AI trở nên dễ chấp nhận hơn, đồng thời cải thiện hình ảnh của công nghệ này.
“Theo tôi, những robot hình người với giọng nói, biểu cảm, nụ cười và cử chỉ được thiết kế để tạo cảm giác thoải mái sẽ giúp con người dễ dàng tương tác hơn,” Al Mansoori chia sẻ. “Khi công nghệ tiến xa, nhu cầu về sự kết nối giữa con người càng trở nên quan trọng. Đây là một trong những lý do khiến mọi người đón nhận các robot hình người một cách tích cực", ông nói thêm.