|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Nhìn lại 2024] 'Liều thuốc' hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả

09:36 | 20/12/2024
Chia sẻ
Năm 2024, nhiều chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành, góp phần quan trọng trong việc phục hồi sản xuất, kích cầu tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm 2024, nền kinh tế đã trải qua nhiều thách thức khi sức mua của thị trường nội địa giảm, nhiều doanh nghiệp đối mặt với những áp lực tài chính lớn. Đặc biệt, sau khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua, nhiều khu vực kinh tế trọng điểm đã bị thiệt hại nặng nề, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Theo thống kê trong 11 tháng năm nay, cả nước có tới 173.200 doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.

Trước tình hình này, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, giúp khơi thông các nguồn lực phát triển và góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.

191.000 tỷ đồng miễn, giảm, gia hạn thuế, phí

Một trong những chính sách nổi bật nhất trong năm là việc Chính phủ quyết định giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi. Chính sách này được áp dụng cho hầu hết các hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ một số mặt hàng đặc thù như xăng dầu, dịch vụ giáo dục và y tế.

Bên cạnh việc giảm thuế VAT, ngày 28/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109 quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của người dân đang suy giảm, đặc biệt là ở thị trường xe ô tô.

Đầu tháng 9, cơn bão số 3 Yagi đã đổ bộ vào miền Bắc, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhiều khu vực. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp sau thảm họa này, Ngân hàng Nhà nước đã lập tức phát đi Công văn số 7417 yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi vay cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại, đồng thời khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.

Ngày 4/12, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 53 quy định quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số Yagi, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão, áp dụng với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trên địa bản 26 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ngoài ra, trong năm qua, Chính phủ cũng thực hiện nhiều chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như: tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm từ 10 - 50% với 36 khoản phí, lệ phí; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất…

Báo cáo tại Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 diễn ra ngày 10/12, Thử trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trong năm nay, cả nước miễn, giảm, gia hạn khoảng 191.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96.000 tỷ đồng.

"Cú hích" cho nền kinh tế

 Tăng trưởng GDP giai đoạn 2012 đến nay. (Nguồn: H.A tổng hợp).

Nhìn chung, trong năm qua, nền kinh tế luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt. Theo số liệu mới nhất, tăng trưởng GDP 9 tháng năm nay đạt 6,82%, ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao là 6 - 6,5%.

Có thể thấy, sau khi các chính sách hỗ trợ được triển khai, tình hình sản xuất và tiêu dùng cũng đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng năm nay tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2023, IIP chỉ tăng 1%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Song song với đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa có sự tăng trưởng đáng kể, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng theo giá hiện hành ước đạt 5,82 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 5,8% nếu loại trừ yếu tố giá.

Doanh số bán ô tô năm 2024 theo từng tháng (Đơn vị: Xe). (Nguồn: VAMA).

Đặc biệt, theo báo cáo doanh số bán hàng toàn thị trường các tháng 9, 10 và 11 của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong thời gian quy định giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng, doanh số ô tô liên tục tăng cao so với các tháng trước và cùng kỳ các năm trước.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, tháng cuối cùng áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, doanh số bán hàng toàn thị trường đạt 44.200 xe, tăng 14% so với tháng 10 và tăng 58% so với tháng 11/2023. Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 25.114 chiếc, tăng 19% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 19.086 chiếc, tăng 8% so với tháng trước.

Mặt khác, sự phục hồi của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng cũng đem lại tác động tích cực đối với ngân sách Nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, luỹ kế 11 tháng năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,81 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 6,3% và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, việc giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi được đánh giá là một quyết định đúng đắn và kịp thời, tránh tình trạng doanh nghiệp và người dân bị rơi vào nhóm nợ xấu dẫn đến không thể tiếp cận nguồn vốn mới. Cơ chế cho phép ngân hàng hoãn, giãn nợ sẽ giúp khách hàng tiếp tục tiếp cận được nguồn vốn và có thêm thời gian để phục hồi sau bão.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là động lực phát triển của nền kinh tế. Thời gian qua, chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; chính sách tài khoá được thực hiện mở rộng và hợp lý, từ đó đem lại nhiều kết quả tích cực, thúc đấy phát triển kinh tế vĩ mô.

Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với kết quả cao nhất và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, phối hợp với các chính sách khác nhằm thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để áp dụng ngay từ đầu năm 2025.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Anh My