Từ thương vụ đầu tư của Nvidia nhìn về tham vọng công nghệ cao của Việt Nam
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đông Nam Á đang thay đổi nhanh chóng. Việt Nam và Indonesia nổi lên như hai đối thủ quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu, theo Tech in Asia.
Hai quốc gia này có cách tiếp cận khác nhau. Indonesia tận dụng lợi thế từ thị trường tiêu dùng lớn, trong khi Việt Nam được biết đến như một trung tâm sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam luôn mong muốn vượt qua vai trò này.
Gần đây, Nvidia quyết định đầu tư vào Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang thành công hơn trong việc thu hút các khoản đầu tư công nghệ cao. Gã khổng lồ AI đã ký thỏa thuận xây dựng trung tâm R&D, trung tâm dữ liệu AI và mua lại VinBrain, một startup y tế thuộc tập đoàn Vingroup.
Đây là bước tiến lớn với Việt Nam trong việc thu hút FDI công nghệ. Đồng thời, điều này cũng có thể là lời cảnh báo cho Indonesia rằng Việt Nam đang ngày càng nghiêm túc trong việc thu hút các khoản đầu tư chất lượng cao.
Bia và đầu tư
Trong chuyến thăm Hà Nội gần đây, CEO Jensen Huang đã đi dạo cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phố Tạ Hiện, biểu tượng của nhịp sống sôi động ở thủ đô.
Thông báo về trung tâm R&D và trung tâm dữ liệu được đón nhận tích cực. Tuy nhiên, thương vụ xây dựng nhà máy AI trị giá 200 triệu USD mà Nvidia công bố tại Việt Nam năm ngoái lại đặt ra một câu hỏi thú vị.
Hồi tháng 4, Nvidia cũng ký thỏa thuận xây dựng trung tâm AI tại Indonesia. Điều này khiến nhiều người thắc mắc: Tại sao Indonesia có trung tâm AI, còn Việt Nam chỉ có nhà máy AI?
Về giá trị đầu tư, cả hai dự án đều ở mức 200 triệu USD. Ở Indonesia, Nvidia hợp tác với Indosat Ooredoo Hutchison, một tập đoàn viễn thông lớn, để phát triển trung tâm AI. Trong khi đó, tại Việt Nam, Nvidia làm việc với FPT, một công ty công nghệ hàng đầu, để xây dựng nhà máy AI.
Dù các khoản đầu tư tương đương, nhiều người ở Việt Nam vẫn coi thành công của Indonesia là một cơ hội bị bỏ lỡ. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi Việt Nam đã nỗ lực đáng kể trong chuyến thăm của Jensen Huang để thu hút R&D về nước.
Một trung tâm AI sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu thu hút FDI bền vững hơn. Điều này góp phần phát triển lâu dài và nâng cao chuỗi giá trị của quốc gia. Tuy nhiên, việc mở nhà máy AI, dù là thành công lớn, vẫn không vượt xa những gì Việt Nam đã làm trước đây.
Mục tiêu của Việt Nam là tránh hai rủi ro chính. Thứ nhất là sự biến động của các ngành công nghiệp giá trị thấp như dệt may và giày dép. Đây là những ngành sử dụng nhiều lao động và thường rời đi khi chi phí lao động tăng cao. Thứ hai là rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này xảy ra khi một quốc gia không thể vươn lên thu nhập cao do gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuyển đổi kinh tế.
Để trở thành một trung tâm công nghệ tiên tiến như AI, Việt Nam cần thu hút các khoản đầu tư mang lại cả vốn lẫn tri thức, thay vì chỉ tập trung vào lắp ráp.
Thông báo đầu tư của Nvidia cho thấy Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu này. Điều này cũng giúp củng cố vị thế của quốc gia như một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Mở cửa vượt qua chướng ngại
Những năm gần đây, Việt Nam đã vượt qua các nước Đông Nam Á khác để trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu khu vực. Thành công này phần lớn đến từ các chính sách thân thiện với nhà đầu tư.
Chính sách mở cửa của Việt Nam giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tham gia, vì không có yêu cầu về vốn tối thiểu trên lý thuyết.
Ngược lại, Indonesia áp dụng mức vốn đầu tư tối thiểu hơn 630.000 USD cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam đã khẳng định vị trí quan trọng trong thương mại toàn cầu nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn.
Việt Nam là một trong hai quốc gia ASEAN, cùng với Singapore, có FTA với Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất tại ASEAN sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc và Mỹ. Indonesia đứng thứ hai nhưng vẫn cách xa Việt Nam về thị phần xuất khẩu.
Sự hội nhập sâu vào mạng lưới thương mại toàn cầu đã giúp Việt Nam củng cố danh tiếng là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam chủ yếu được xem là trung tâm sản xuất, hơn là một thị trường tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó, Indonesia lại có một câu chuyện khác. Các công ty đầu tư vào Indonesia không phải vì tiềm năng xuất khẩu, mà vì quy mô thị trường nội địa khổng lồ.
Chẳng hạn, khi Indonesia cấm bán iPhone 16 do không đáp ứng các yêu cầu về nội dung nội địa, Apple đã cam kết xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên tại nước này và tăng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD.
Việt Nam thành công nhờ mô hình FDI tập trung vào xuất khẩu. Trong khi đó, Indonesia sử dụng sức mạnh kinh tế để thu hút các khoản đầu tư lớn. Cả hai quốc gia đã thể hiện những chiến lược phát triển khác biệt nhưng đều hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á.
Câu chuyện về hai cách tiếp cận
Cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam và Indonesia tuy gay gắt nhưng mang lại lợi ích chung cho cả khu vực.
Cả hai quốc gia đều thu hút được những khoản đầu tư lớn, qua đó nâng cao năng lực công nghệ, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự cạnh tranh này cũng khuyến khích các chính phủ cải thiện chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và thúc đẩy phát triển bền vững.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Việt Nam cần cân bằng giữa việc đưa ra các ưu đãi và việc tập trung tạo ra giá trị nội địa sâu hơn, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Các vấn đề về ổn định năng lượng và chất lượng hạ tầng vẫn là rào cản lớn đối với tăng trưởng. Đây có thể trở thành trở ngại khi các trung tâm dữ liệu đòi hỏi lượng năng lượng rất lớn.
Ở Indonesia, cách tiếp cận quản lý nghiêm ngặt dù thu hút được nhiều đầu tư, nhưng cũng có nguy cơ làm nản lòng những nhà đầu tư tiềm năng không quen với các chính sách cứng nhắc.
Tuy nhiên, đây không chỉ là câu chuyện về cạnh tranh, mà còn là sự tiến bộ chung. Khi Việt Nam và Indonesia tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn, nỗ lực của họ có thể định hình lại bức tranh kinh tế khu vực, thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới sáng tạo.
Hiện tại, có vẻ như Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với những bước chuyển mình mạnh mẽ về công nghệ và được công nhận nhiều hơn trên thế giới.