|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dự án mở rộng Quốc lộ 51 bị dừng cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

11:26 | 22/02/2018
Chia sẻ
Theo Bộ KH&ĐT, do hồ sơ dự án mở rộng Quốc lộ 51 còn nhiều tồn tại liên quan đến việc phê duyệt điều chỉnh dự án, các nội dung điều chỉnh (nhà đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian hoạt động…) nên chưa đủ điều kiện cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
du an mo rong quoc lo 51 bi dung cap dieu chinh giay chung nhan dang ky dau tu Bộ KH&ĐT yêu cầu Bộ GTVT và BVEC giải trình loạt bất cập tại Dự án mở rộng Quốc lộ 51

Bộ GTVT chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là chưa phù hợp quy định

Mới đây, Bộ KH&ĐT vừa có văn bản nêu ý kiến về việc dừng xem xét hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900-Km73+600 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo hình thức Hợp đồng BOT của CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC).

du an mo rong quoc lo 51 bi dung cap dieu chinh giay chung nhan dang ky dau tu
Do hồ sơ dự án mở rộng Quốc lộ 51 còn tồn tại nhiều bất cập nên chưa đủ điều kiện để Bộ KH&ĐT cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (Ảnh: vanhien.vn).

Cụ thể, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu ký Hợp đồng BOT từ tháng 11/2009 và được Bộ KH&ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 12/2009. Theo hồ sơ, trong quá trình thực hiện, hai bên đã ký ba Phụ lục Hợp đồng điều chỉnh quy mô, giải pháp thiết kế, tổng mức đầu tư, thời hạn hoạt động và một số nội dung khác.

Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ GTVT (cơ quan có thẩm quyền) chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là chưa phù hợp với quy định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Còn tồn tại trong các nội dung Dự án đề nghị điều chỉnh

Bộ KH&ĐT cũng góp ý về các nội dung Dự án đề nghị điều chỉnh. Đầu tiên là về nhà đầu tư, theo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 và giải trình của BVEC, công ty này được thành lập vào năm 2008. Cổ đông chính gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu Việt Nam (sau được thay thế bằng Tổng công ty Sông Đà) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Mục đích thành lập công ty là để đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51 và Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Trong quá trình thực hiện Dự án, cổ đông sáng lập của BVEC đã chuyển nhượng phần vốn góp tại đây cho các cổ đông khác. Tháng 9/2017, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Bộ GTVT và BVEC giải trình nhưng các đơn vị này vẫn chưa có giải trình cụ thể.

Về nội dung điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đường, theo Phụ lục Hợp đồng thì Dự án có điều chỉnh về quy mô mặt cắt ngàng đường và giải pháp thiết kế (xây dựng mới cầu vượt bộ hành, bổ sung hệ thống thoát nước, trạm cân). Trong đó, nhà đầu tư chỉ đề nghị điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang đường.

BVEC giải trình rằng việc xây dựng mới cầu vượt bộ hành phải xem xét lại lộ trình về thời điểm thực hiện để phù hợp với sự phát triển của các khu dân cư hai bên tuyến theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; hạng mục Trạm kiểm tra tải trọng xe chưa tính toán được quy mô, giải pháp công nghệ và thiết bị… nên chưa đề nghị điều chỉnh.

Bộ KH&ĐT nhận định, nội dung đề nghị điều chỉnh chưa thống nhất với các nội dung đã thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, chưa phản ánh đầy đủ tình hình triển khai thực tế của Dự án nên Bộ không có cơ sở để điều chỉnh nội dung này trong Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

Nội dung điều chỉnh về tổng mức đầu tư và thời gian hoạt động của Dự án cũng được nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh. Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án vốn là 3.971 tỷ đồng, thời gian hoạt động của Dự án là 24 năm 8 tháng 4 ngày (tình từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 5/3/2034). Sau đó Bộ GTVT và BVEC đã thỏa thuận điều chỉnh thành tổng mức đầu tư Dự án 3.780 tỷ đồng và thời gian hoạt động Dự án là 20 năm 6 tháng 11 ngày (tính đến hết ngày 12/1/2030).

Bộ KH&ĐT đánh giá, nội dung đề nghị điều chỉnh này không hợp lý, bởi Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng từng nêu một số tồn tại trong việc tính toán tổng mức đầu tư Dự án; các tài liệu giải trình kèm theo của BVEC cũng chwua thể hiện rõ mức độ chuẩn xác của giá trị tổng mức đầu tư và chưa có cở sở để Bộ KH&ĐT ghi nhận tổng mức đầu tư Dự án đề nghị điều chỉnh là 3.971 tỷ đồng. Do tổng mức đầu tư của Dự án chưa rõ nên việc điều chỉnh thời gian hoạt động của Dự án như đề nghị của BVEC là chưa có cơ sở.

Dự án đã điều chỉnh trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh

Bộ KH&ĐT đã đề nghị Bộ GTVT và BVEC giải trình về việc Dự án đã triển khai trước các nội dung điều chỉnh, đã hoàn thành thi công, đang tiến hành thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn mới làm thủ tục đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Bộ GTVT và nhà đầu tư vẫn chưa có giải trình về nội dung này. Theo quy định, hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính và thực tế Dự án đã bị xử phạt.

“Do hồ sơ Dự án còn các tồn tại các vấn đề như đã nêu trên nên chưa đủ điều kiện cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT thông báo dừng xem xét hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án”, Bộ KH&ĐT nêu trong văn bản.

Bộ này đề nghị Bộ GTVT tổ chức phê duyệt điều chỉnh Dự án theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp với nhà đầu tư rà soát, chấn chỉnh các nội dung Dự án theo ý kiến kết luận của Thanh tra các cấp, xử lý vi phạm hành chính và tính toán lại phương án tài chính của Dự án theo quy định hiện hành…

N.Lê