Dự án khởi nghiệp với kính thông minh dành cho người tàn tật, tài xế
Dự án khởi nghiệp Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass, với dòng sản phẩm kính nhiều ưu việt, giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy vi tính bằng đầu và mắt dễ dàng, cải thiện kĩ năng dùng máy tính, từ đó góp phần tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật.
Bạn Huỳnh Phương An (bên phải) đại diện nhóm dự án trình bày mô hình Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass. Ảnh: Bùi Mến. |
Theo Huỳnh Phương An, người đại diện cho công ty cổ phần VP9 trong vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017, mắt kính MultiGlass được cài đặt công nghệ nhận diện Iris.
“Người sử dụng chỉ cần nháy mắt phải để kích chuột phải, nháy mắt trái để kích chuột trái, di chuyển chuột bằng cách di chuyển đầu”, Phương An nói.
Kết quả nghiên cứu của nhóm dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass cho thấy Việt Nam có khoảng 100.0000 người có trình độ THPT và biết sử dụng máy tính, nhưng do tai nạn, thương tích nên mất khả năng lao động. Bởi vậy, Phương An khẳng định: “Chúng tôi tự tin sản phẩm kính MultiGlass có thể hỗ trợ đối tượng này”.
Một đối tượng khác mà MultiGlass hướng đến là thị phần những lái xe ở Việt Nam, bởi MultiGlass có tính năng chống buồn ngủ cho các tài xế khi tham gia giao thông. Khảo sát của nhóm dự án với 30 lái xe tại nhà xe Sơn Tùng (Đà Nẵng), Chí Nghĩa (Hà Nội) cho thấy các lái xe đều thường xuyên ngủ gật khi làm việc đêm. Để chống cơn buồn ngủ, họ thường sử dụng chất kích thích như cà phê, nước tăng lực, thuốc lá hay thậm chí ma túy. Tuy nhiên, Phương An nhận định: sử dụng chất kích thích là phương pháp không lâu dài, có hại cho sức khỏe.
Hiện nay dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass có 3 phiên bản với mức giá bán 700.000 - 1.150.000 đồng. “Trên thị trường Việt Nam, chúng tôi phân phối độc quyền dòng sản phẩm kính thông minh. Đối với thị trường quốc tế, sản phẩm này đã xuất hiện nhưng giá lên tới 700 USD - gấp 20 lần giá sản phẩm của chúng tôi.”, Phương An nhấn mạnh.
Nhóm dự án Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass sẽ thực hiện chiến lược bán sản phẩm cho cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời bán trực tuyến ra nước ngoài. Họ sẽ tài trợ thiết bị cho các trung tâm tin học, khoa chấn thương tại bệnh viện Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để quảng bá sản phẩm.
Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên, nhóm dự án sẽ sản xuất 1.000 kính phiên bản một, 500 kính phiên bản hai và 500 kính phiên bản ba.
Phương An cho biết, dự án cần khoảng 1 tỷ đồng để sản xuất. Nhóm sẽ dành 648 triệu đồng để sản xuất 2000 kính trong năm đầu và dành số còn lại cho marketing, bán hàng, quản lý dự án.
"Vốn tự có của chúng tôi là 100 triệu đồng nên cần thêm 900 triệu đồng”, Phương An nói.
Sau 4 lượt chấm chéo mà ban tổ chức chia thành 2 vòng, 6 dự án có số điểm cao nhất lọt vào chung kết, gồm: Công ty tổ chức sự kiện và cung ứng nhân sự từ sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Trường Đại học Lạc Hồng; Dịch vụ kết nối Homestay Belocals của Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh; Nuôi trồng nấm rơm trên phụ phẩm nông nghiệp của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh; Sản xuất và kinh doanh nấm ăn cao cấp Hoàng đế và giá thể trồng rau sạch của Đại học Lâm nghiệp; Thiết bị giao tiếp thông minh MultiGlass của Công ty CP VP9 Việt Nam; Trang trại gà H’Mong B&C của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đơn vị chỉ đạo cuộc thi), sau khi cuộc thi kết thúc, Ban tổ chức sẽ tổ chức Festival Khởi nghiệp để trao giải cho các dự án xuất sắc nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2017; đồng thời tổ chức chào đầu tư cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn tại Festival Khởi nghiệp 2018 được tổ chức vào tháng 1/2018. Cũng tại Festival Khởi nghiệp 2018, các hoạt động bên lề khác sẽ diễn ra, như: Trưng bày các sản phẩm triển khai thực tế của các dự án khởi nghiệp, giao lưu và gặp gỡ với các chủ dự án đã đạt giải các năm trước; giao lưu với các cố vấn, huấn luyện viên của chương trình Khởi nghiệp quốc gia. |