|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dự án cao tốc Bắc Nam gặp khó trong thu xếp vốn

07:48 | 20/05/2017
Chia sẻ
Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cho rằng, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động gần 100 nghìn tỷ đồng đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Giao thông vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó đề xuất phương án đầu tư giai đoạn một khoảng 684 km với tổng vốn hơn

140 nghìn tỷ đồng; nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động gần 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn lực xã hội để thực hiện dự án này.

Ông Đặng Văn Tâm, Phó tổng giám đốc VIDIFI cho biết, thời điểm này ít doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư hạ tầng giao thông, vì vốn đầu tư lớn nên khó vay vốn ngân hàng, trong khi đó thời gian thu hồi vốn dài đến 15-20 năm. Các năm đầu của dự án hạ tầng, doanh thu thường không đủ trả lãi vay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có tiềm lực vốn mạnh không muốn tham gia vào dự án hạ tầng hình thức BOT vì lợi nhuận cố định chỉ đạt 12-13% mỗi năm. Thay vào đó, nhà đầu tư lựa chọn đầu tư bất động sản vì dễ thu hồi vốn hơn.

Ông Tâm cũng e ngại những cơ chế chính sách thay đổi gây khó khăn cho doanh nghiệp. Dẫn ví dụ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có cơ chế nhà nước chi trả tiền giải phóng mặt bằng, tuy nhiên thực tế là VIDIFI đã phải ứng vốn 4.000 tỷ đồng để làm, đến nay vẫn chưa được Chính phủ hoàn trả. Hàng tháng doanh nghiệp phải trả lãi vay số tiền này, gây khó khăn về tài chính.

"Chúng tôi muốn đầu tư tiếp một số đoạn trong dự án cao tốc Bắc Nam vì đã có kinh nghiệm về kỹ thuật, lao động sau khi đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, song doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính", ông Tâm nói.

du an cao toc bac nam gap kho trong thu xep von
Chủ đầu tư cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang đề nghi chuyển nhượng khai thác dự án, để có tiền đầu tư cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Xuân Hoa.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết, mức đầu tư một dự án cao tốc trung bình trên 10.000 tỷ đồng và đây là con số rất lớn với nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ trong trường hợp doanh thu giảm so với dự báo ban đầu (ví dụ dưới 20%). Ngược lại, doanh thu cao hơn dự báo thì nhà nước có thể thu lại một tỷ lệ tiền chênh lệch. Nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến ổn định tỷ giá vì thường phải vay ngoại tệ để đầu tư đường cao tốc.

Trong giai đoạn 2016-2020, VEC sẽ tham gia đầu tư các tuyến cao tốc mới theo hình thức đối tác công tư (PPP). Doanh nghiệp này đã phối hợp các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất lên Chính phủ Đề án nhượng quyền khai thác đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thông qua việc chuyển nhượng các tuyến đường trên để tạo nguồn vốn đầu tư các dự án mới.

Trông chờ vào nhà đầu tư nước ngoài

Từng tham gia nhiều dự án BOT, Tổng giám đốc một doanh nghiệp tư nhân cho rằng với số vốn gần 100.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Bắc Nam chỉ có thể trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước có thể tham gia dạng liên danh, liên kết để có việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn phải có mặt bằng sạch, chính sách minh bạch, có hỗ trợ doanh thu của nhà nước và lợi nhuận phải đạt từ 15% trở lên.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Nhật cũng cho rằng, nếu không có các cơ chế đặc thù thì rất khó huy động các nguồn vốn đầu tư cao tốc Bắc Nam, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, vốn tín dụng trong nước đang khó khăn, dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng ở mức cao. Thời gian qua, có một số dự án khả thi về tài chính tuy nhiên các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối.

Do đó, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ các cơ chế đặc thù như yêu cầu bảo lãnh một số rủi ro cho các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài, gồm rủi ro về doanh thu, tiến độ và giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ...

Vừa qua, Bộ Giao thông đã mời thầu sơ tuyển dự án 1B đoạn Tân Vạn - Nhơn Trách mà không có các bảo lãnh trên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều trả lời không tham gia vì quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao các bộ Giao thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, kịp thời báo cáo Thủ tướng giải pháp thu xếp vốn để triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam; đồng thời thực hiện các biện pháp có hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Mục tiêu chính và yêu cầu đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là hình thành tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn; kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TP HCM, qua 20 tỉnh, thành; kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển...

Đoàn Loan