Dow Jones tăng hơn 550 điểm khi tình hình đại dịch ở Mỹ hạ nhiệt
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 559 điểm, tương đương 2,4%, và đóng cửa ở 23.950 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vọt lên lần lượt 3,1% và 4%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu cùng tăng hơn 4%, dẫn dắt đà đi lên của chỉ số S&P 500. Cổ phiếu đại gia thương mại điện tử Amazon leo lên đỉnh lịch sử, giúp Nasdaq tăng vượt trội.
Chuyên gia Jim Cramer của CNBC nhận định: "Có nhiều lí do để lạc quan hơn trước. Kịch bản xấu nhất đã được loại bỏ và nếu Apple và Google có thể truy tìm nguồn tiếp xúc (contact tracing) như chúng ta mong đợi, kết hợp với việc xét nghiệm được thực hiện ngày càng nhiều, nền kinh tế có thể được mở cửa trở lại sớm hơn dự báo trước đây".
Phiên đầu tuần 13/4, chỉ số Dow Jones mất 328 điểm (tương đương 1,4%) còn S&P 500 giảm 1%.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo bày tỏ thái độ lạc quan về tình hình tại bang mình – tâm dịch lớn nhất nước Mỹ. Cụ thể vào sáng 14/4, ông phát biểu rằng số ca tử vong mới liên quan tới COVID-19 tại New York đang đi ngang, ông cũng nói thêm rằng số ca phải nhập viện vì virus này vẫn khá thấp.
Tổng thống Trump cũng tuyên bố trong một buổi họp báo tối 13/4 rằng tốc độ tăng số ca nhiễm mới đã ổn định, cho thấy "bằng chứng rõ ràng" rằng các biện pháp kiểm soát tại Mỹ đang có hiệu quả.
Ông Jan Hatzius - Kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định: "Các thị trường tài chính đã bắt đầu có cái nhìn lạc quan hơn. Sự cải thiện ban đầu chủ yếu là do các động thái chính sách mạnh tay. Nhưng những chuyển biến gần đây ít nhất có một phần nguyên nhân đến từ bản thân tình hình dịch bệnh".
Theo số liệu từ đại học Johns Hopkins, cả thế giới đến nay đã ghi nhận 1,97 triệu ca dương tính với COVID-19 và 125.600 ca tử vong. Mỹ dẫn đầu thế giới cả về số trường hợp xác nhận nhiễm và tử vong, lần lượt là 603.000 và 25.575 ca.
Tính từ đáy thiết lập ngày 23/3 đến nay, chỉ số S&P 500 đã hồi phục 27,5%. Các nhà đầu tư phấn khởi cả vì những tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống dịch bệnh cũng như những gói kích thích lớn chưa từng có đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Mùa công bố kết quả kinh doanh quí I chính thức khởi động vào ngày 14/4 với các tên tuổi như JPMorgan Chase, Johnson & Johnson, Wells Fargo … Nhà đầu tư qua đây có cái nhìn toàn diện đầu tiên về thiệt hại mà virus corona chủng mới gây ra cho doanh nghiệp.
Đại gia ngân hàng JPMorgan Chase công bố lợi nhuận quí đầu tiên giảm 31% so với cùng kì năm ngoái và chưa bằng một nửa dự báo của giới phân tích. Doanh thu vẫn duy trì so với cùng kì ở mức 29,67 tỉ USD. Kết phiên 14/4, giá cổ phiếu JPMorgan giảm 2,74%.
Cổ phiếu Johnson & Johnson tăng 4,48% sau khi hãng công bố lợi nhuận vượt kì vọng. Công ty này cũng cho biết có thể sản xuất tới 900 triệu liều vắc xin ngừa virus corona chủng mới trước tháng 4/2021, tùy thuộc vào kết quả các cuộc thử nghiệm.
Ngân hàng Wells Fargo công bố lợi nhuận quí I thấp hơn nhiều so với kì vọng do phải trích lập dự phòng tín dụng trong đại dịch. Cụ thể, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Wells Fargo trong quí I chỉ là 0,01 USD, trong khi giới phân tích dự đoán 0,33 USD.
Theo khảo sát của Refinitiv, các chuyên gia đang dự báo lợi nhuận quí I của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 sẽ giảm 10,2% so với cùng kì năm ngoái.