|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones rớt 431 điểm sau báo cáo lạm phát đáng ngại, quan chức Fed ủng hộ tăng lãi suất 50 bps

07:20 | 17/02/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 16/2 sa sút sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 lên cao hơn dự kiến và số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống. Các số liệu này cho thấy Fed có thể sẽ nâng lãi suất mạnh hơn để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu dài hạn.

Dow Jones giảm sâu trong phiên 16/2.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 431 điểm, tương đương 1,26%, và kết phiên ở gần 33.697 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,38% còn 4.090 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại xa nhất khi mất 1,78% và dừng ở 11.856 điểm.

Microsoft và Disney giảm lần lượt 2,66% và 3,12%, tác động lớn nhất vào đà đi xuống của Dow Jones. Cổ phiếu Tesla sụt 5,69% sau khi thông báo triệu hồi gần 363.000 xe điện vì phần mềm tự lái có vấn đề.

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng đi xuống trong phiên 16/2.

Sáng 16/2, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 tăng 0,7% so với tháng liền trước, cao hơn nhiều so với mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 11/2 là 194.000, giảm so với mức 195.000 của tuần trước đó và trái ngược với dự báo tăng lên 200.000 của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát.

Trong tuần này, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và doanh số bán lẻ tháng 1 đều cao hơn dự báo của các chuyên gia, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể phải nâng lãi suất mạnh tay hơn thị trường kỳ vọng để chống lạm phát.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1/2023 tăng 0,7% so với tháng liền trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc thị trường lao động tiếp tục vận hành tốt và người tiêu dùng vẫn mua sắm mạnh tay đồng nghĩa với việc nền kinh tế vẫn đang hoạt động tốt bất chấp 7 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed. Vì vậy, Fed có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ mà không cần quá lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Ngày 1/2 vừa qua, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất lần thứ 8 và các quan chức cho biết sẽ không sớm dừng lại.

Ngày 16/2, ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed, cho biết ông từng ủng hộ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 31/1 – 1/2 vừa qua và có thể tiếp tục ủng hộ động thái này trong cuộc họp tháng 3 tới.

Cùng ngày 16/2, bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Fed cũng nói rằng lãi suất cần phải tăng mạnh hơn. Ông Bullard và bà Mester đều không được biểu quyết trong các cuộc họp quyết định lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed nhưng cả hai đều được tham gia cuộc họp và nêu ý kiến.

Năm 2022, Fed từng nâng lãi suất thêm 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp, sau đó giảm còn 50 bps trong cuộc họp tháng 12 và xuống còn 25 vào cuộc họp ngày 31/1 - 1/2 vừa qua. Theo ý của các quan chức Fed nói trên, ngân hàng trung ương Mỹ nên quay lại với mức tăng 50 bps trong cuộc họp ngày 21 - 22/3 tới đây.

CNBC dẫn lời ông Mike Loewengart, Giám đốc xây dựng mô hình danh mục tại Morgan Stanley, nhận định: “Hai chỉ số giá cả được công bố tuần này đều cho thấy lạm phát cao dai dẳng và cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, đặc biệt là số liệu PPI hôm nay ghi nhận mức tăng cao nhất so với tháng liền trước kể từ tháng 6/2022”.

Ông Loewengart nói thêm: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường giảm điểm trong bối cảnh hy vọng về việc Fed nới lỏng chính sách vào những tháng tới phai nhạt dần. Tóm lại, nhà đầu tư cần nhận ra rằng lạm phát có thể sẽ không quay lại mức bình thường nhanh chóng như nhiều người kỳ vọng, do vậy thị trường sẽ biến động hơn.”

 

Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis và Cleveland ủng hộ quay lại mức tăng lãi suất 50 bps sau khi chỉ tăng 25 bps trong cuộc họp ngày 31/1 - 1/2/2023.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều sa sút trong phiên 16/2, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Cổ phiếu viễn thông, bất động sản và công nghệ là những nhóm giảm mạnh hơn thị trường chung. 

So với đầu năm, S&P 500 hiện nay cao hơn 6,5%, Dow Jones và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,7% và 13,3%.

 

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ phiên 16/2/2023.

 

 

Đức Quyền

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.