Dow Jones futures hồi phục gần 300 điểm sau phiên bán tháo
Theo CNN, tính đến 11h20 ngày 14/6 theo giờ Việt Nam (tức đêm 13/6 theo giờ Mỹ), hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (futures) tăng 271 điểm, tương đương tỷ lệ 0,89%. Biến động này của Dow Jones futures hàm ý chỉ số Dow Jones cơ sở sẽ mở cửa phiên 14/6 với mức tăng 310 điểm.
Tương tự, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 đang tăng gần 40 điểm, hàm ý chỉ số S&P 500 cơ sở tăng 44,5 điểm khi phiên 14/6 bắt đầu.
Hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq 100 đang xanh 146,5 điểm, hàm ý chỉ số cơ sở sẽ tăng gần 167 điểm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Dow Jones rớt gần 900 điểm, chứng khoán Âu – Mỹ rực lửa giữa nguy cơ Fed sắp tăng mạnh lãi suất 14/06/2022 - 07:05
Thị trường diễn biến tích cực sau phiên 13/6 bán tháo ồ ạt. S&P 500 rơi vào thị trường gấu với 495/500 cổ phiếu thành viên chìm trong biển đỏ. Dow Jones cũng mất 876 điểm, tương đương 2,8%, và kém đỉnh lịch sử khoảng 17%.
Nasdaq Composite sụt sâu nhất khi mất 4,7% trong phiên đầu tuần và kém 33% so với mức điểm kỷ lục đạt được vào tháng 11/2021.
Nguy cơ suy thoái vì lãi suất tăng
Nhà đầu tư Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nâng lãi suất mạnh tay hơn dự báo trước đó. Trong cuộc họp thường kỳ tháng 3 và tháng 5, Fed đang tăng lãi suất thêm lần lượt 0,25 và 0,5 điểm %.
Thông thường, Fed chỉ điều chỉnh lãi suất 0,25 điểm % mỗi lần. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát đang ở đỉnh 40 năm, nhiều chuyên gia dự báo ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ nâng lãi suất tới 0,75 điểm % trong phiên họp ngày 14-15/6.
Việc Fed nâng lãi suất để ghìm cương lạm phát sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm nền kinh tế rơi vào suy thoái vì nhu cầu của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị phá hủy.
Ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu Yardeni Research, trả lời phỏng vấn CNBC: “Tôi nghĩ Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản”.
“Tôi cho rằng trong cuộc họp báo chiều 15/6, Chủ tịch Jerome Powell sẽ nói ngụ ý rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp tháng 7 và có thể là thêm một lần nữa vào tháng 9. Có lẽ đã đến lúc để ông Powell thể hiện rằng ông thực sự quan ngại về vấn đề lạm phát”, ông Ed Yardeni nói thêm.
Tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021, mức tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 1981.
Ông Richard Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu của công ty chứng khoán TD Securities, ngày 13/6 cho rằng cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu đều phát tín hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang đến gần, nhiều khả năng là vào quý IV/2022 hoặc quý I/2023.
“Fed không thể ngồi đó và nói rằng nhiệm vụ của họ là tạm dừng hoạt động tạo thêm việc làm trong nền kinh tế, nhưng đó lại chính là điều mà Fed phải làm để đưa lạm phát quay lại tầm kiểm soát”, ông Kelly nói thêm.
Để kìm hãm đà tăng của giá cả chỉ có hai cách là nâng nguồn cung hoặc giảm tổng cầu. Fed không có khả năng tác động tới nguồn cung nên chỉ có thể tăng lãi suất và giảm cung tiền để kìm hãm nhu cầu, giảm việc làm mới.
Mọi ánh mắt đổ dồn về các ngân hàng trung ương
Trong tuần này, Fed họp trong hai ngày 14-15/6. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất, nhưng nhà đầu tư sẽ theo dõi buổi họp báo sau cuộc họp để nghe Chủ tịch Fed Jerome Powell nói thêm về định hướng chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ thông báo quyết định lãi suất vào thứ Năm (16/6). Các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Thụy Sỹ và Brazil cũng sẽ họp trong tuần này.
Nhà đầu tư còn cần chú ý theo dõi hàng loạt số liệu kinh tế, bao gồm doanh số bán lẻ và chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, Anh và Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn công bố thêm chỉ số giá công nghiệp (PPI) tháng 5 vào ngày 14/6.
GDP tháng 4 của Anh giảm 0,3% so với tháng trước đó, tiêu cực hơn mức tăng trưởng 0,1% mà các nhà kinh tế kỳ vọng và gây thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.