|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones có lúc tăng 370 điểm nhưng lao dốc về cuối phiên, chứng khoán Mỹ giảm ba tuần liên tiếp

07:26 | 03/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 2/9 khởi đầu tích cực trong buổi sáng nhưng đảo chiều đi xuống vào buổi chiều. Báo cáo việc làm tháng 8 khả quan không thể xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư về khả năng Fed mạnh tay chắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Sau phiên giảm điểm 2/9, S&P 500 đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7. 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc tăng 370 điểm trong buổi sáng 2/9 nhưng kết thúc buổi chiều mất 338 điểm, tương đương 1,07%, và đóng cửa ở 31.318 điểm.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,07% xuống còn 3.924 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,3% còn gần 11.631 điểm. Theo CNBC, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, Nasdaq ghi nhận chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp.

Nasdaq giảm 6 phiên liền từ 26/8 đến 2/9.

Cả ba chỉ số chính đều mất điểm trong tuần qua và đánh dấu tuần đi xuống thứ 3 liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Cụ thể, Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 3% và 3,3%, Nasdaq giảm sâu hơn với tỷ lệ 4,2% trong tuần.

CNBC dẫn lời bà Callie Cox, chuyên gia phân tích đầu tư tại công ty môi giới eToro, nhận định: “Thị trường vẫn còn nhiều lo lắng về những gì sắp xảy ra trong hai tháng tới. Đúng là lạm phát và việc làm đang dần trở lại cân bằng, nhưng cái giá phải trả là gì? Các thị trường vẫn đang cố đánh giá tình hình”.

Dow Jones giảm ba tuần liên tiếp.

“Tình hình càng tệ hơn khi S&P 500 đang bị mắc kẹt trong vùng nguy hiểm – tức là dưới ba đường bình quân trượt quan trọng”, bà Callie Cox nói thêm.

“Những đường bình quân trượt này từng đóng vai trò là mức sàn vài tuần trước, giờ đây chúng lại là những mức trần mà chỉ số không thể bứt phá qua. Tâm lý nhà đầu tư chắc chắn đã thay đổi. Có thể chúng ta sẽ không kiểm định lại mức đáy của đợt bán tháo này nhưng nhiều khả năng cũng sẽ không thể sớm lập đỉnh mới”.

Báo cáo thị trường lao động tháng 8 vững mạnh

Thị trường chứng khoán đi xuống trong tuần này sau những bình luận mang tính “diều hâu” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và các quan chức khác của Fed.

Ngân hàng trung ương Mỹ đang thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát, bất chấp những thiệt hại mà chiến dịch nâng lãi suất có thể gây ra cho nền kinh tế. Ông Powell khẳng định Fed sẽ không sớm hạ lãi suất trong năm 2023 như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.

Một trong những thông tin quan trọng tới quyết định của Fed trong cuộc họp ngày 20-21/9 là số liệu thị trường lao động tháng 8, vừa được công bố sáng 2/9. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 315.000 việc làm trong tháng vừa qua, sát với con số 318.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,5% trong tháng 7 lên 3,7% trong tháng 8. Số việc làm tạo mới trong hai tháng trước đó được điều chỉnh giảm tổng cộng 107.000.

Một số liệu đáng chú ý nữa mà Fed sẽ xem xét trước cuộc họp định kỳ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8, được công bố ngày 13/9. Nhà đầu tư cũng như các quan chức Fed đang dự báo lãi suất sẽ tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản (bps).

Ông Jeff Kilburg, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Sanctuary Wealth, nhận xét: “Nhà đầu tư đang khá lo lắng: Thị trường có giảm tiếp không? Chúng ta có tiếp tục dò đáy không? Dù sao thì tôi cũng thấy có hỗ trợ ở ngưỡng 3.900 điểm của chỉ số S&P 500”.

Một số nhà đầu tư cho rằng nếu S&P 500 không giữ được mức hỗ trợ 3.900 điểm thì thị trường có thể kiểm định lại mức đáy 3.667 điểm thiết lập hôm 16/6.

S&P 500 đang ở dưới các đường bình quân trượt (MA) 20 phiên, 50 phiên và 200 phiên. 

Năng lượng khởi sắc

Trong phiên 2/9, cổ phiếu dịch vụ viễn thông và bất động sản giảm sâu nhất thị trường. Trái lại, cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất thuộc chỉ số S&P 500 đóng cửa với sắc xanh, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Giá dầu thô Brent, WTI và giá khí đốt đồng loạt tăng sau khi tập đoàn Gazprom của Nga thông báo trì hoãn việc mở lại đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới châu Âu.

Năng lượng là nhóm duy nhất tăng điểm trong phiên 2/9.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí chạy từ Nga qua đáy biển Baltic để đến Đức. Sau ba ngày ngừng hoạt động để bảo trì, Nord Stream 1 dự kiến được mở lại vào thứ Bảy (3/9). Tuy nhiên, Gazprom cho biết đã phát hiện một vị trí rò rỉ dầu động cơ trong turbine cuối cùng ở trạm nén khí Portovaya. Vì vậy, Nord Stream 1 sẽ tiếp tục đóng cửa.

Tuyên bố của Gazprom được đưa ra đúng lúc châu Âu đang gấp rút xoay xở mọi cách để tích trữ đủ năng lượng cho nhu cầu sử dụng trong mùa đông lạnh giá sắp tới. Việc Nord Stream 1 tiếp tục ngừng hoạt động làm tình thế của châu Âu càng thêm bấp bênh.

Siemens Energy, nhà sản xuất turbine nén khí mà Nga sử dụng tại Portovaya, cho biết việc động cơ rò rỉ dầu thường không ảnh hưởng tới hoạt động của turbine và lỗi này có thể được khắc phục ngay tại chỗ trong quá trình bảo trì thông thường.

Cũng theo Siemens, các vấn đề tương tự đã xảy ra trong quá khứ và Nord Stream 1 không phải ngừng hoạt động. “Hơn nữa, như chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra, trạm Portovaya còn nhiều turbine khác có thể giúp cho Nord Stream 1 hoạt động bình thường”, tập đoàn của Đức nói.

Châu Âu đang cáo buộc Nga dùng năng lượng làm vũ khí tống tiền trong cuộc đối đầu địa chính trị liên quan tới xung đột tại Ukraine.

Đức Quyền - Song Ngọc

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.