|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 8/9: Tự doanh bán ròng 245 tỉ đồng, thêm áp lực khiến VN-Index giảm sâu

07:35 | 08/09/2020
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền 8/9 chuyển sang trạng thái tiêu cực, duy nhất nhóm ngành sản xuất thực phẩm khởi sắc. Khối tự doanh đảo chiều xả 245 tỉ đồng, trao tay trăm tỉ chứng chỉ quĩ với khối ngoại.

Dòng tiền chuyển sang trạng thái tiêu cực

VN-Index mở cửa với mức tăng nhẹ và duy trì sắc xanh trong phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng đã kéo chỉ số này bất ngờ giảm điểm mạnh vào phiên chiều và đóng cửa với hơn 13 điểm giảm. 

Kết phiên, VN-Index giảm 13,29 điểm (1,47%) còn 888,25 điểm, HNX-Index giảm 0,57% xuống 125,43 điểm, UPCoM-Index giảm 0,42% xuống 58,64 điểm.

Dòng tiền đầu tư tiêu cực khi tận 18/19 ngành giảm điểm, duy chỉ có ngành thực phẩm và đồ uống có mức tăng nhẹ. Về giá trị giao dịch, ngân hàng và bất động sản tiếp tục dẫn đầu với giá trị đều hơn nghìn tỉ đồng, tuy nhiên đây cũng là hai ngành kéo VN-Index giảm mạnh nhất.

Trong khi đó, khối ngoại có dấu hiệu tích cực khi đã mua ròng nhẹ trên cả hai sàn HOSE và HNX. 

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước, đồng thời độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực với 273 mã giảm điểm. Việc dòng tiền đã chuyển sang trạng thái tiêu cực báo hiệu VN-Index có thể trở lại kiểm tra khu vực 880 - 885 điểm trong những phiên tới.

Khối tự doanh xả 245 tỉ đồng, tăng áp lực giảm điểm lên VN-Index

Thống kê giao dịch bộ phận tự doanh CTCK phiên đầu tuần, hoạt động bán ròng diễn ra mạnh mẽ với giá trị 245 tỉ đồng và khối lượng tương ứng 11,6 triệu đơn vị.

Dòng tiền thông minh 8/9: Tự doanh bán ròng 245 tỉ đồng, thêm áp lực khiến VN-Index giảm sâu - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinprog

Tại phía bán ra, khối tự doanh chủ yếu bán ròng 98,55 tỉ đồng chứng chỉ quĩ FUEVFVND. Bên cạnh đó, khối này tạo áp lực lên cổ phiếu HPG (38,9 tỉ đồng), VNM (29,54 tỉ đồng), MWG (22,7 tỉ đồng), TCB (20,14 tỉ đồng).

Cùng với đó, dòng vốn tự doanh rút khỏi các mã FPT (19,65 tỉ đồng), VPB (19,36 tỉ đồng), VIC (17,93 tỉ đồng), CTG (15,99 tỉ đồng) và VHM (13,94 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối tự doanh rót vốn vào hai mã ngân hàng gồm CTG (24,31 tỉ đồng) và VPB (17,63 tỉ đồng). Mặt khác, cổ phiếu ghi nhận giá trị mua trên 10 tỉ đồng trong phiên còn có VNM (13,99 tỉ đồng), HPG (13,59 tỉ đồng) và PLX (10,99 tỉ đồng). 

Theo sau đó, bộ phận tự doanh mua vào các mã VHM, TCB, MSN, VIC và MWG tuy nhiên với giá trị dưới 10 tỉ đồng.

Khối ngoại đảo chiều mua ròng, gom trăm tỉ đồng CCQ FUEVFVND

Thống kê trên HOSE, NĐT nước ngoài mua ròng hơn 55 tỉ đồng với khối lượng 2,4 triệu đơn vị. 

Đáng chú ý, khối ngoại tâp trung rót vốn vào chứng chỉ quĩ FUEVFVND với giá trị 95,97 tỉ đồng. Trong thông báo gần đây, quĩ đầu tư đến từ Đài Loan - CTBC Vietnam Equity Fund đã đăng kí mua 21 triệu chứng chỉ quĩ này, dự kiến giao dịch từ ngày 7/9 đến 6/10.

Bên cạnh đó, khối này cũng mua ròng chỉ quĩ E1VFVN30 (9,18 tỉ đồng).

Tại giao dịch cổ phiếu, dòng vốn ngoại tìm đến VNM (77,48 tỉ đồng), HPG (35,95 tỉ đồng), VRE (22,25 tỉ đồng). Hai mã còn lại ghi nhận giá trị mua ròng trên 10 tỉ đồng gồm KSB (16,85 tỉ đồng) và PLX (12,81 tỉ đồng). 

Ngoài ra, khối ngoại còn cổ phiếu VCB (6,92 tỉ đồng), VIC (6,4 tỉ đồng) và HAG (4,67 tỉ đồng).

Ngược lại, khối ngoại tập trung áp lực xả lên mã VHM với giá trị 50,85 tỉ đồng. Theo sau đó, khối này còn bán ròng cổ phiếu BID (29,42 tỉ đồng), MSN (25,92 tỉ đồng), NBB (16,31 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại rút khỏi HBC (12,37 tỉ đồng), NVL (11,77 tỉ đồng), CII (10,4 tỉ đồng) và DBC (10,34 tỉ đồng). Mặt khác, hai mã HDB và POW lần lượt bị khối ngoại bán ròng 10,06 tỉ đồng và 8,19 tỉ đồng.

Trên sàn HNX cũng ghi nhận giá trị mua ròng nhẹ 1,5 tỉ đồng với khối lượng 60.870 đơn vị. Trong đó, khối ngoại chủ yếu gom mã NTP với giá trị gần 1,2 tỉ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu thu hút dòng vốn ngoại trong phiên còn có BVS, IDV, TIG...

Ở chiều ngược lại, NĐT nước ngoài bán ròng mã WCS, AMV, DNP, RCL, TST... tuy nhiên không đến 1 tỉ đồng.

Duy nhất tại UPCoM, khối ngoại bán ròng 10,7 tỉ đồng và khối lượng 143.043 cổ phiếu. Về giá trị cụ thể, mã ACV chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị 13,4 tỉ đồng. Theo sau, khối ngoại rút khỏi các cổ phiếu như MSR, HND, POS... với giá trị thấp hơn.

Diễn biến trái chiều, cổ phiếu LTG và TPS dẫn đầu chiều mua ròng, ngoài ra còn có MCH, WSB, BDT... thu hút vốn ngoại trong phiên.

Lãnh đạo và nội bộ doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu nào?

Dòng tiền thông minh 8/9: Tự doanh bán ròng 245 tỉ đồng, thêm áp lực khiến VN-Index giảm sâu - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ HOSE

Thông tin giao dịch đáng chú ý, CTCP Quản lí Quỹ Đầu tư Đỏ vừa đăng kí bán toàn bộ hơn 5 triệu cổ phiếu VGC, không còn là cổ đồng  của Tổng công ty Viglacera – CTCP. Thời gian thực hiện bán cổ phiếu từ ngày 9/9 – 7/10 qua giao dịch khớp lệnh hoặc thoả thuận. 

Trước đó, từ ngày 2/6 – 30/6, quĩ Red Capital thoái vốn bất thành hơn 5 triệu cổ phiếu VGC do không đạt được mức giá kì vọng. 

Được biết, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT của Viglacera là cổ đông sở hữu 24,96% vốn của Red Capital.

Ánh Hường