|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 5/7: Tự doanh CTCK và tổ chức trong nước bán ròng gần 1.300 tỷ đồng, chủ yếu xả nhóm ngân hàng

08:00 | 05/07/2021
Chia sẻ
Trong phiên cuối tuần qua, khối tự doanh CTCK và các tổ chức trong nước là các bên bán ròng mạnh với tổng giá trị gần 1.300 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng với các cổ phiếu như VPB, TCB, ACB… chịu áp lực xả mạnh nhất.

Thị trường có 4/5 phiên tăng điểm trong tuần vừa qua và kết thúc tuần bởi một phiên khởi sắc. Mặc dù vậy, cũng chỉ có 9/19 ngành tăng điểm và 196 cổ phiếu tăng so với 196 cổ phiếu giảm.

Phiên thứ Sáu (2/7) đóng cửa với mẫu nến Abandoned Baby đang cho thấy thị trường có thể đang lưỡng lự và thận trọng hơn sau đỉnh. Theo BSC, còn khá sớm để khẳng định nhịp tăng sẽ còn tiếp diễn dù vậy việc hệ thống giao dịch mới sẽ được vận hành vào tuần sau có thể giúp thanh khoản gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Cụ thể sau phiên cuối tuần, VN-Index tăng 0,23% đóng cửa ở mức 1.420,27 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng- giảm là 169-212. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 25.544 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 31.011 tỷ đồng, giảm 0,6% so với phiên liền trước.

Dòng tiền quay lại cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ nhưng giảm ở bất động sản, dầu khí.

Cụ thể, tỷ trọng dòng tiền tham gia vào nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, Thép tăng lần lượt 4,12%, 0,98% và 0,87%. Trong đó nhóm chứng khoán tăng mạnh nhất nhờ có thông tin Bộ Tài chính chấp thuận đê xuất sử dụng phần mềm của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vào vận hành chính thức từ ngày 5/7/2021 cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán chứng kiến sự bứt phá mạnh của các cổ phiếu lớn như VCI tăng trần, VND tăng 4,3%, HCM tăng 0,93% nhưng mức tăng mạnh vẫn thuộc về các cổ phiếu nhỏ hơn như PHS, WSS, PSI, AGR, ORS.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng nhẹ 0,62%, được dẫn dắt bởi VPB, SHB, HDB, VIB, TCB và STB.

Tự doanh và tổ chức trong nước lần lượt rút ròng 550 tỷ và 730 tỷ khỏi thị trường

Trong các bên giao dịch trên thị trường, khối tự doanh bán ròng 549 tỷ đồng, trong đó bán ròng 541 tỷ qua khớp lệnh.

Top mua ròng khớp lệnh của khối tự doanh phiên 2/7 gồm các mã DBC, STB, VCB, E1VFVN30, BWE, DXG, PLX, CII, KBC, VIC. Ngược lại, khối này bán ròng cổ phiếu VPB, HPG, TCB, MBB, LPB, VRE, ACB, MWG, PNJ, NBB. Có thể thấy các mã ngân hàng đang là tâm điểm giao dịch của khối tự doanh.

Về phía NĐT tổ chức trong nước, tương tự khối tự doanh, hoạt động bán ròng của khối này cũng áp đảo với giá trị 729 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 653 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng chủ yếu là ngành ngân hàng. Theo đó, Top bán ròng có VPB, STB, HPG, TCB, FLC, NVL, ACB, FPT, AAA, DBC. Trong khi đó, Top mua ròng của các tổ chức trong nước có SSB, IJC, CTG, DXG, VIC, E1VFVN30, GMD, VNM, KBC, NLG.

NĐT cá nhân gom mạnh cổ phiếu ngân hàng và thép, đẩy giá trị mua ròng khớp lệnh vượt nghìn tỷ

Ghi nhận giao dịch của NĐT cá nhân trên thị trường, nhóm này bán ròng 655 tỷ đồng, tuy nhiên xét riêng giao dịch khớp lệnh thì nhóm này đã mua ròng 1.160 tỷ đồng.

NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh 9/18 ngành, tập trung các cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung vào cổ phiếu VPB, HPG, TCB, CTG, STB, NVL, FLC, ACB, VIC, MSB.

Diễn biến trái chiều, NĐT cá nhân bán ròng 9/18, chủ yếu là ngành thực phẩm và đồ uống. Các mã ở chiều bán ròng có MSN, SSB, VCI, GAS, VCB, VHM, IJC, KDH, VNM, DXG.

Top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài, tuy nhiên nhóm này cũng mua bán đối ứng một số mã với tổ chức trong nước và tự doanh.

Khối ngoại gom hơn 1.900 tỷ đồng nhờ thỏa thuận khủng cổ phiếu NVL

Tính cả giao dịch thỏa thuận, NĐT nước ngoài là bên mua ròng duy nhất trong phiên cuối tuần với giá trị 1.922 tỷ. Tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại mua ròng chỉ 34 tỷ đồng.

Giao dịch khiến giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài tăng vọt liên quan đến NVL. Cụ thể, ngày 2/7, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận hơn 15,9 triệu cổ phiếu NVL của Novaland tại giá tham chiếu 120.000 đồng/cp, giá trị thỏa thuận hơn 1.900 tỷ đồng. Trước đó, hơn 13,4 triệu cổ phiếu NVL cũng được trao tay chủ yếu ở giá tham chiếu trong phiên 30/6 với tổng giá trị hơn 1.600 tỷ đồng.

Lực mua ròng khớp lệnh của NĐT nước ngoài tiếp tục tập trung vào ngành thực phẩm và đồ uống (MSN). Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã STB, MSN, HPG, GAS, VCI, VHM, MBB, VCB, KDH, VRE.

Phía bán ròng khớp lệnh, khối ngoại tiếp tục bán chính nhóm ngân hàng. Top bán ròng theo thứ tự các mã VPB, CTG, VIC, MSB, NVL, DPM, KDC, KBC, BVH, SBT.

Hai mã VPB và CTG tiếp tục trong top bán ròng, VPB vẫn là câu chuyện khóa room ngoại của ngân hàng này nên phía nhà đầu tư nước ngoài còn tiếp tục bán ra. Riêng CTG, sau khi dừng bị khối ngoại bán ròng liên tiếp trong tháng 6 thì đã trở lại bị bán ròng liên tiếp 4 phiên gần đây.

Thu Thảo

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Nhiều cái tên lãi vượt tỷ đô, tín dụng tăng trưởng hai con số
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.