Dòng tiền thông minh 24/9: Tự doanh chuyển mua ròng nhẹ phiên VN-Index tiếp đà hồi phục
Nhóm hóa chất bị chốt lời mạnh sau chuỗi tăng nóng
Mở cửa phiên thứ Năm (23/9), xung lực tăng tiếp tục ủng hộ giúp VN-Index bật hơn 9 điểm, tuy nhiên lực bán mạnh xuất hiện khi chỉ số này vượt 1.360 điểm. Điều này đã khiến VN-Index lúc đóng cửa chỉ tăng hơn 2 điểm, dừng chân tại mốc 1.352 điểm, tương ứng tăng 0,15% so với phiên trước.
Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tăng 36% so với hôm qua, đạt 960 triệu đơn vị khớp lệnh, giá trị giao dịch tăng 26% đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, hóa chất, thép, trong khi giảm ở nhóm thực phẩm & đồ uống, xây dựng & vật liệu, bảo hiểm.
Nếu thị trường chứng khoán ở những phiên trước dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu penny và đầu cơ, thì hôm qua nhóm cổ phiếu này chịu áp lực chốt lời mạnh mẽ của nhà đầu tư với nhiều mã cổ phiếu rơi vào trạng thái giảm sàn khi kết phiên.
Trong số này, lực cung áp đảo khiến giá đa số cổ phiếu ngành hóa chất điều chỉnh như DGC, DDV, CSV, AAA, GVR, DPM. Cụ thể, DGC, CSV giảm sàn, DDV giảm 8,5%. Tuy nhiên, việc giảm giá của các cổ phiếu này mang tính chốt lời do nhóm cổ phiếu này đã tăng rất mạnh trong thời gian qua.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trong VN30 có phần khởi sắc hơn khi có đến 14 mã tăng điểm so với 13 mã giảm điểm. Tích cực nhất là MWG, GAS và TPB đều tăng hơn 2%, riêng MWG tăng 5 %.
Tự doanh chuyển mua ròng nhẹ phiên VN-Index tiếp đà hồi phục
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này giải ngân 174,3 tỷ đồng thời bán ra 159 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng ghi nhận 15 tỷ đồng. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối này gom ròng 40,8 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động mua ròng còn ở quy mô nhỏ, giao dịch của khối tự doanh đã tích cực hơn phiên trước do chuyển từ trạng thái bán ròng sang gom ròng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, bộ phận tự doanh mua ròng 5/18 ngành. Trong đó, nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính (51,2 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (24 tỷ đồng).
Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm E1VFVN30, MSN, REE, FUEVFVND, ACB, HPG, TDG, VHC, GEX, KDH.
Ngược lại, cổ phiếu nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp chịu áp lực rút vốn lớn nhất từ tự doanh. Top các mã bị bán ròng gồm NHH, PVT, MWG, NT2, VND, DGC, HSG, BID, TCB và ITA.
Tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng
Giao dịch trái chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 217,9 tỷ, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 175,3 tỷ đồng. Thống kê từ Fiinpro cho thấy, đây là phiên rút ròng thứ 4 của tổ chức nội.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 ngành với lực xả mạnh nhất đặt tại nhóm ngân hàng. Top10 cổ phiếu bị khối này rút ròng có HAH, VPB, VCB, STB, IJC, DGC, VIC, HDB, ITC, MBB.
Trong khi đó, các tổ chức trong nước gom mạnh nhất cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ. Top mua ròng có MWG, VHM, HPG, VHC, NLG, GMD, HDG, PTB, TDH, HSG
Cá nhân trong nước rót ròng gần 580 tỷ đồng vào thị trường
Về phía NĐT cá nhân, họ duy trì vị thế mua ròng 575,5 tỷ đồng, trong đó mua ròng 507 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 14/18 ngành, chủ yếu là ngành hóa chất. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã DGC, KBC, NVL, CSV, HPG, MSN, NKG, HAH, VIC, VPB.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ bán ròng 4/18 ngành còn lại chủ yếu là nhóm ngân hàng, bán lẻ. Top bán ròng MBB, CTG, MWG, VHM, VND, KDH, DXS, VRE, VHC.
NĐT nước ngoài bán ròng hơn 370 tỷ đồng, tâm điểm HPG
Trong phiên vừa qua, NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng 371,1 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 372,5 tỷ đồng.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, hàng & dịch vụ công nghiệp. Danh mục 10 mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất gồm MBB, CTG, VND, KDH, VCB, VCI, DXS, VRE, HCM, GMD.
Phía bên bán ròng khớp lệnh của nước ngoài, cố phiếu nhóm tài nguyên cơ bản chịu áp lực xả mạnh nhất với gần 150 tỷ đồng, gấp đôi phiên trước. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm HPG, KBC, DGC, MSN, CSV, E1VFVN30, NKG, TCH, HSG.