Dòng tiền thông minh 17/9: Tự doanh CTCK mua MSN và bán ra nhiều cổ phiếu ngân hàng phiên đáo hạn phái sinh
Mốc 1.350 điểm tiếp tục thử thách VN-Index khi lực cung của nhà đầu tư trở nên mạnh hơn khi vượt qua ngưỡng này. Điều này khiến cho VN-Index đóng cửa phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 9 chỉ tăng nhẹ 0,04 điểm, dừng chân tại mốc 1.345,87 điểm.
Độ rộng của thị trường thu hẹp nhưng vẫn ở mức tích cực với tỷ lệ số cổ phiếu tăng/giảm điểm là 212/187. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh có phần suy giảm với 569 triệu đơn vị và 16,720 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời diễn ra ở nhiều mã, tuy nhiên nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn rổ VN30 đã hỗ trợ giúp VN-Index duy trì sắc xanh, cụ thể VRE tăng 5,08%, KDH (3,64%) và MSN (3,38%). Bên cạnh đó, một số cổ phiếu đầu cơ tiếp tục tăng trần trong phiên như YBM, TDH, TDG, HVX….
Dòng tiền đầu tư thu hẹp vào một số ngành khi chỉ có 11/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn tăng trưởng đến từ các nhóm truyền thông, điện, nước, xăng dầu và ngân hàng. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, trong khi giảm ở nhóm thép, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Trong phiên VN-Index tiếp tục thất bại trước vùng cản mạnh 1.350 điểm, khối ngoại đã quay lại bán ròng mạnh với hơn 1.328 tỷ trên cả hai sàn HNX và HOSE. Trong đó, VIC chịu áp lực bán ròng với hơn 1,144 tỷ, bỏ xa vị trí thứ hai là DGW với giá trị rút ròng 83 tỷ. Ở chiều ngược lại, VRE mua ròng hơn 78 tỷ trong phiên hôm qua.
Bất chấp áp lực rút vốn của NĐT ngoại, tự doanh, tổ chức trong nước và NĐT cá nhân đồng loạt xuống tiền nâng đỡ thị trường.
Tự doanh giảm quy mô gom ròng
Thống kê giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, nhóm này giải ngân 271,18 tỷ đồng đồng thời bán ra 250,62 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng ghi nhận 20,56 tỷ đồng. Nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối này gom ròng 33 tỷ đồng.
Mặc dù bộ phận tự doanh đã duy trì vị thế mua ròng 8 phiên liên tiếp, nhưng giá trị đã giảm đáng kể so với con số 360 tỷ đồng phiên trước. Cụ thể, tự doanh rót vốn vào 7/18 ngành, trong đó nhóm được mua ròng mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống (39,2 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (35,6 tỷ đồng).
Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm MSN, FUEVFVND, VIC, E1VFVN30, VRE, SGT, KDH, TV2, AGG và DXG.
Ngược lại, cổ phiếu ngành hàng cá nhân & gia dụng chịu áp lực xả lớn nhất từ tự doanh. Top các mã bị bán ròng gồm BID, FPT, TCB, VNM, VPB, PNJ, VHM, HPG, ACB và MBB.
Tổ chức trong nước chuyển mua ròng
Giao dịch cùng chiều khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 144,7 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 188,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 7/18 ngành với áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm bất động sản. Top10 cổ phiếu bị nhóm này rút ròng có VHM, VRE, CSV, HPG, HAH, VHC, DRC, DXG, VSC, VOS.
Trong khi đó, các tổ chức trong nước gom mạnh nhất cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng có VIC, TCB, VPB, TPB, FPT, VNM, KDH, MBB, STB, CTG.
Cá nhân trong nước chuyển mua ròng, chủ yếu đối ứng với khối ngoại
Về phía NĐT cá nhân, họ chuyển hướng mua ròng sau ba phiên rút vốn liên tiếp. Cụ thể, khối này mua ròng 1.157,7 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng khớp lệnh 1.081,6 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã VIC, VHM, DGW, DGC, NVL, DPM, HSG, CSV, SSI, NKG.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ bán ròng 9/18 ngành còn lại, chủ yếu là các ngành ngân hàng, thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng có MSN, VRE, KDH, MBB, CTG, TCB, GMD, GAS, TPB.
NĐT nước ngoài bán ròng mạnh, tập trung xả cổ phiếu VIC
Sau phiên mua ròng hiếm hoi, NĐT nước ngoài bán ròng trở lại với quy mô lên tới 1.266,6 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 1.302,7 tỷ đồng.
Phía bên bán ròng khớp lệnh, khối ngoại chưa dừng xả cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VIC, DGW, DGC, VNM, DPM, SSI, NVL, FUEVFVND, VHM.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu VIC, nhà đầu tư nước ngoài bán ra 16,8 triệu đơn vị trong khi mua vào 3,9 triệu mã này. Như vậy trong nhóm cổ phiếu Vingroup, dòng tiền nước ngoài tập trung mua ròng VRE, trong khi duy trì bán ròng VIC, VHM dù giá trị rút ròng VHM đã giảm đáng kể.
Lực mua ròng khớp lệnh chính của NĐT ngoại tập trung ở nhóm ngân hàng, hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm VRE, MSN, MBB, GMD, KDH, HPG, CTG, GAS, PNJ, MSH.