|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh (12/11): Tự doanh CTCK nới rộng đà mua ròng bất chấp khối ngoại trở lại bán ròng, tập trung PLX

07:44 | 12/11/2019
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền thông minh ngày 12/11, cổ phiếu công nghiệp và tài chính hút tiền. Ngược chiều khối ngoại, bộ phân tự doanh CTCK khoán tiếp tục mua ròng hơn 37 tỉ đồng.

Dòng tiền thông minh tìm đến nhóm công nghiệp và tài chính phiên giảm điểm

Trong phiên sáng, VN-Index chủ yếu vận động giằng co trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu khi VHM, TCB, HPG là các động lực nâng đỡ chỉ số. Trong khi đó, cổ phiếu VIC, MSN, MWG gây áp lực lên đà tăng.

Đến phiên chiều, các mã bluechips gồm VIC, SAB, GAS mở rộng biên độ giảm và kéo chỉ số xuống dưới mốc 1.020 điểm. Kết phiên, VN-Index giảm 5,74 điểm (0,56%) xuống 1.016,75 điểm; HNX-Index giảm 0,48% xuống 106,76 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02% xuống 56,72 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 357 mã giảm giá.

Bên cạnh sự rung lắc đến từ áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư trong nước, sự không chắc chắn trong tiến trình hoàn tất và kí kết thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Trung và Mỹ cũng phần nào khiến thị trường duy trì tâm lí thận trọng.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong phiên chiều, theo đó tổng giá trị giao dịch cả phiên đạt 5.142 tỉ đồng. Dòng tiền tập trung vào hai nhóm cổ phiếu công nghiệp (1.068 tỉ đồng) và tài chính (1.041 tỉ đồng).

Khối tự doanh tiếp tục mua ròng 37 tỉ đồng, chủ yếu gom PLX

Thống kê giao dịch trong phiên hôm qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng hơn 37 tỉ đồng tuy nhiên bán ròng khối lượng 94.380 đơn vị.

td

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Dẫn đầu top các mã được mua vào trong phiên là cổ phiếu PLX với giá trị 43,75 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh mua MWG (11,07 tỉ đồng). Khối này còn mua dưới 10 tỉ đồng các cổ phiếu như MBB (9,81 tỉ đồng), HPG (8,56 tỉ đồng), VNM (6,04 tỉ đồng) và FPT (4,11 tỉ đồng). Lọt top mua vào trong phiên hôm qua còn có VJC, chứng chỉ quĩ E1VFVN30, VPB và TCB.

Trái xu hướng với các cổ phiếu trên, khối tự doanh bán ra trên 10 tỉ đồng cổ phiếu MBB (24,07 tỉ đồng) và chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (10,07 tỉ đồng). Cùng với đó, khối này bán FPT (9,95 tỉ đồng), TCB (7,03 tỉ đồng), MWG (6,81 tỉ đồng) và HPG (5,23 tỉ đồng). Mặt khác, các mã VNM, GAS, REE và DBD đều ghi nhận giá trị bán ra.

Khối ngoại đảo chiều bán ròng nhẹ phiên giảm sâu, tập trung xả MSN

Trong phiên giao dịch hôm qua, khối ngoại mua ròng nhẹ 9,8 tỉ đồng trên HOSE với khối lượng 1,8 đơn vị. Về giá trị cụ thể, khối ngoại tập trung gom cổ phiếu VRE (33,9 tỉ đồng). Theo sau đó, NĐT nước ngoài mua ròng VHM (30,92 tỉ đồng), HPG (26,6 tỉ đồng) và HDB (22,01 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, dẫn đầu chiều bán ròng trong phiên là cổ phiếu MSN với giá trị 39,59 tỉ đồng. Cùng với đó, khối ngoại xả trên 10 tỉ đồng các cổ phiếu VNM (27,11 tỉ đồng), SAB (20,31 tỉ đồng), VJC (19,32 tỉ đồng) và VIC (11,69 tỉ đồng).

Ngược lại, sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng 3,7 tỉ đồng tuy nhiên khối lượng mua ròng 118.848 đơn vị. Hai mã MAS và CEO bị khối ngoại thoái ròng mạnh nhất lần lượt là 1,3 tỉ đồng và 1,2 tỉ đồng. Trong khi đó, khối này mua ròng cổ phiếu VCS, BII và SHB.

Giao dịch tại UPCoM, khối ngoại bán ròng 12,8 tỉ đồng với khối lượng 59.662 cổ phiếu. Đáng chú ý, khối ngoại chủ yếu xả cổ phiếu ACV (23,1 tỉ đồng), đây cũng là mã duy nhất tại thị trường này có giá trị bán ròng trên 10 tỉ đồng. Cùng chiều, khối ngoại bán ròng GVR, CTR.

Trái lại, NĐT nước ngoài tìm đến cổ phiếu VTP (6,4 tỉ đồng), VEA (3,5 tỉ đông) và BSR (1,4 tỉ đồng). Khối ngoại còn mua ròng mã BCM, KHD, VCP dưới 1 tỉ đồng.

Lãnh đạo XNK Thủy sản Cửu Long An Giang đăng kí trao tay 500.000 cổ phiếu?

Thống kê thông tin giao dịch trên hai sàn, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) có liên quan đăng kí mua vào mã PAC, TCD. Riêng cổ phiếu ACL được đăng kí giao dịch ở cả hai chiều.

d

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, thành viên HĐQT CTCP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang vừa thông tin muốn bán 500.000 cp ACL trong thời gian từ 14/11 đến 10/11 vì nhu cầu các nhân. Phương thức giao dịch dự kiến là khớp lệnh và thỏa thuận.

Trong cùng khoảng thời gian, bà Trần Thị Vân Loan đăng kí mua vào cùng lượng cp ACL trên. Nếu bán ra thành công, bà Bích sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại công ty xuống 1,32% vốn điều lệ trong khi bà Loan tăng tỉ lệ lên 52,43% vốn cổ phần, chính thức nắm giữ quyền chi phối doanh nghiệp.

Ánh Hường